Life Technologies cho biết họ đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng đối với cỗ máy này và dự kiến giao hàng trong một năm nữa. Ít nhất đã có ba viện nghiên cứu lớn là Đại học Y Baylor, Đại học Y của Yale và Viện Cambridge, Massachusette ký hợp đồng mua máy với số lượng lớn.
Chỉ sau đó vài tiếng, một công ty khác là Illumina cũng của Mỹ đã giới thiệu một công nghệ tương tự, có thể giải mã toàn bộ bản đồ gene người chỉ trong 24 giờ. Tuy nhiên Illumina không đưa ra mức chi phí ước tính cho mỗi bản đồ gene.
Theo AP, những cỗ máy này sẽ cho phép các nhà khoa học xác định được quy luật sắp xếp của 3 tỷ khối phân tử hóa chất làm nên DNA của mỗi một người.
Cột mốc "khả thi"
Kể từ khi chuỗi bản đồ gene cơ bản đầu tiên của người được công bố tại Nhà Trắng vào năm 2000, chi phí lập bản đồ DNA liên tiếp giảm. Mục tiêu 1000 USD từ lâu đã được coi là một cột mốc quan trọng để kỹ thuật giải mã gene có thể đến được với các bác sĩ. Thông qua bản đồ gene, họ có thể tìm ra những mắt xích yếu, dễ bị tấn công bởi một số loại bệnh để từ đó điều chỉnh cách thức điều trị cho hiệu quả nhất.
Hiện nay, việc giải mã toàn bộ hệ gene được tiến hành chủ yếu cho mục tiêu nghiên cứu. Nó hoàn toàn khác với một dịch vụ mà một số công ty đang cung cấp cho người dùng, khi chỉ một phần nhỏ của hệ gene hoặc những thông tin cụ thể về di truyền... được phân tích đến.
Câu chuyện còn dài?
Ngưỡng cản 1000 USD được cho là hợp túi tiền và giúp công nghệ này trở nên khả thi. Nếu cỗ máy hoạt động đúng như dự kiến, các bác sĩ sẽ có thể gửi DNA của bệnh nhân tới phòng thí nghiệm và nhận về các thông tin hữu ích sau đó một tuần, AP cho hay.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. “Có được dữ liệu đầy đủ về hệ gene của bệnh nhân là một chuyện, còn có thể phân tích chúng thành những thông tin quan trọng cho điều trị hay không lại là chuyện khác”.
“Liệu các cỗ máy này có thể sàng lọc dữ kiện và cung cấp cho các bác sĩ theo một cách thức hiệu quả hay không”, một chuyên gia nhận định. Nói cách khác, chuyện vẫn còn "rất dài".
Nguồn VietNamNet