Sức bật mới của kinh tế biển Cà Ná

Tuyến đường ven biển đang thi công, một dự án lớn của tỉnh ta, có đoạn cuối đi qua trên địa bàn, được coi là động lực quan trọng cho tiến trình đô thị hóa của xã Cà Ná (Thuận Nam). Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná nhìn nhận: “Có con đường, sẽ phải sắp xếp lại khu dân cư mang bộ mặt mới đẹp hơn. Đó là thời cơ nhưng cũng là thách thức cho Cà Ná bước vào giai đọan mới trong phát triển kinh tế biển”.

(NTO) Là xã mới, được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Phước Diêm cũ, Cà Ná có diện tích tự nhiên trên 1.307 ha với dân số trên 9.100 người. Do vị trí địa lý giáp biển, có quốc lộ 1A, đường sắt đi qua, Cà Ná có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, bao gồm thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nhất là các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Khu neo đậu tàu thuyền mới ở cảng cá Cà Ná mở rộng

Bờ biển Cà Ná (kể cả địa phận xã Phước Diêm) kéo dài từ mũi Sừng Trâu đến hang Đá Đen, tiếp giáp với huyện Tuy Phong (Bình Thuận) tạo nên nhiều thắng cảnh hữu tình. Biển Cà Ná có nước trong, sâu, nhiều rạn sỏi, eo vịnh rất thích hợp cho nhiều loài động vật nhuyễn thể, giáp xác như tôm hùm, tôm sú, mực sinh sống, đặc biệt có các loại cá di cư về trú ngụ sinh sản và phát triển. Nguồn lợi đó giúp cho sản lượng khai thác hàng năm của 2 xã Phước Diêm, Cà Ná có thể đạt từ 25.000 đến 30.000 tấn hải sản các loại, riêng Cà Ná trong năm 2011 đã khai thác được 18.000 tấn, vượt 20% kế hoạch năm và vượt 50% so với năm 2010. Mặt khác, do nước biển có độ mặn khá cao nên rất thuận lợi cho việc sản xuất muối, tôm sú giống. Toàn xã hiện có 47 trại tôm giống hoạt động, năm qua đã xuất bán 1,2 tỷ con tôm post 15, ngoài ra còn có 15 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 4.000 tấn (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), vượt 33% chỉ tiêu đề ra.

Chế biến nước mắm ở Cà Ná hàng năm cung cấp cho thị trường trên 2,5 triệu lít

Từ những lợi thế nói trên, Cà Ná xác định ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ là lĩnh vực ưu tiên phát triển trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Theo đó có thể hiểu trong những năm tới, ngư nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực khai thác hải sản vẫn đóng vai trò mũi nhọn đối với kinh tế Cà Ná. Hiện nay năng lực đánh bắt của toàn xã có 310 tàu thuyền (tổng công suất 32.852 CV), trong đó có 80% là tàu thuyền với công suất từ 90 CV trở lên. Tuy nhiên qua so sánh lợi thế với năng lực tàu cá rất lớn của xã Phước Diêm láng giềng, Cà Ná đã chủ trương hạ dần tỷ trọng khai thác hải sản và tăng dần tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Thực tế cho thấy sản lượng hải sản khai thác hàng năm đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Toàn xã hiện có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, 39 cơ sở chế biến nước mắm và 15 cơ sở hấp cá cơm phơi khô, năm qua trong 12.000 tấn hải sản đánh bắt được đưa vào chế biến, đã có 3.000 tấn dùng chế biến nước mắm và 7.000 tấn dành cho chế biến cá hấp khô. Nhìn chung, toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ ở Cà Ná đều gắn liền với nghề cá. Vì vậy phát triển kinh tế biển được coi là định hướng chiến lược của Cà Ná.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ giữa năm 2007, trong chương trình hành động về thực hiện chiến lược biển đến năm 2010, Tỉnh uỷ đã có định hướng đầu tư phát triển trọng điểm khu kinh tế biển Cà Ná, trong đó có đề cập đến việc xây dựng tuyến đường ven biển và thị trấn Cà Ná, gắn với khu công nghiệp Dốc Hầm, Phước Nam. Giờ đây dù tuyến đường ven biển qua địa bàn chỉ mới khởi động nhưng đã xuất hiện nhiều tiền đề mới cho sự “thay da, đổi thịt” của Cà Ná thị tứ trong tương lai. Cùng với con đường nối quốc lộ 1A vào cảng cá Cà Ná đã được rải nhựa năm 2010, còn có con đường và chiếc cầu nối giữa các thôn Lạc Sơn 1, 2, 3 với Lạc Tân và xã Phước Diêm vừa hoàn thành đã góp phần làm cho Cà Ná mở rộng liên kết giao thương với bên ngoài.

Theo đồng chí Trương Ngọc Luân, để tạo ra sức bật mới của kinh tế biển Cà Ná, trước mắt trong năm 2012 vẫn tập trung phát triển nghề cá địa phương, khuyến khích nhân dân huy động vốn đầu tư mua sắm thuyền máy có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại đủ sức vươn ra khơi xa và đánh bắt dài ngày trên biển. Mặt khác, Cà Ná tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, chế biến thủy sản và mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá. Sự phát triển của nghề cá tất yếu sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ-du lịch của địa phương.