Đề án Tăng tốc CNTT – cần những giải pháp chiều sâu

Đế án Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT – Truyền thông đã triển khai được 1 năm qua. Bên cạnh những kết quả sơ bộ ban đầu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và để giải quyết được những hạn chế này thì cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chiếm vị trí rất quan trọng.

Trên cơ sở đó sẽ triển khai một cách có hiệu quả Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo- Ảnh: Chinhphu.vn

Đó chính là một nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin (CNTT) quốc gia nhấn mạnh trong Hội thảo Quốc gia Một năm nhìn lại Đề án Tăng tốc và Chương trình máy tính nối mạng tri thức diễn ra tại Hà Nội vào sáng 7/1/2012 tại Hà Nội.

Vì Đề án Tăng tốc được phê duyệt vào cuối năm 2010 nên hầu hết các cơ quan, đơn vị không kịp xây dựng và đăng ký kế hoạch kinh phí năm 2011. Bên cạnh đó còn thiếu cơ chế rõ ràng để điều phối, quản lý, thống nhất triển khai nội dung của Đề án…

Theo số liệu của Vụ CNTT – Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính năm 2011 tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng – điện tử đạt khoảng 6,3 tỷ USD, với mức tăng gần 12%; doanh thu công nghiệp Phần mềm đạt hơn 1,1 tỷ USD, với mức tăng chỉ khoảng 6% , chưa bằng ¼ mức tăng 2010 và doanh thu công nghiệp nội dung số đạt gần 1,1 tỷ USD, với mức tăng khoảng 17%, chưa bằng một nửa mức tăng năm 2010.

Là năm đầu tiên triển khai Đề án nhưng rõ ràng hiệu quả của Đề án chưa đạt được như mong muốn. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những nguyên nhân chủ quan và nội lực của ngành CNTT – truyền thông nước nhà khi chưa trở thành những “cú hích” hiệu quả. Chẳng hạn, kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các dự án quy mô quốc gia còn nhiều hạn chế; số lượng doanh nghiệp CNTT có đầu tư cho nghiên cứu phát triển và mức đầu tư còn khiêm tốn. Đặc biệt, chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT cũng chưa được xây dựng, triển khai…

Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tiến độ triển khai còn chậm; Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chưa được xây dựng và trong bối cảnh cắt giảm các chi tiêu công thì CNTT cũng như nhiều ngành khác đều gặp phải khó khăn.

Ảnh: Chinhphu.vn

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều bài tham luận với nhiều kiến nghị, đề xuất triển khai Đề án. Đặc biệt ở những địa phương khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp, có nhiều vùng lõm nên công tác đầu tư ứng dụng CNTT gặp nhiều hạn chế. Do đó, để đẩy mạnh đầu tư và phát triển CNTT cần thiết phải có sự hỗ trợ kinh phí hàng năm từ ngân sách trung ương; Cần tăng cường điều hành các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT đảm bảo tính đồng bộ, tập trung, tránh tình trạng lãng phí….

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, Đề án là một đề án tất yếu, tuy nhiên quá trình triển khai dự án cần đi sâu như vấn đề đào tạo nhân lực CNTT và những giải pháp mang tính đột phá.

Theo TS. Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông, một trong những hạn chế của Đề án cần phải được nói đến đó là cần có sự chuyển biến về nhận thức. Để triển khai thành công Đề án cần nhạn thức ứng dụng CNTT viễn thông cho toàn bộ các ngành kinh tế xã hội để tối ưu hóa toàn bộ các nguồn lực trong xã hội. Qua 1 năm thực hiện, tôi thấy rằng đề án còn hạn chế cả về mục tiêu và giải pháp thực hiện. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì không thể tạo thành sức mạnh để hiện thực hóa. Chúng ta cần phải coi CNTT là cơ sở hạ tầng nền và đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của tất cả các ngành kinh tế - xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh CNTT- TT là động lực phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Với lợi thế học giỏi toán, thông minh thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện và tố chất để tiếp thu các công nghệ mới của thế giới.

Chia sẻ với những hạn chế khi triển khai Đề án, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, các địa phương và đặc biệt là thế hệ trẻ cần tích cực hơn nữa để chung tay xây dựng đề án. Việt Nam có khoảng 16 triệu học sinh, hơn 2 triệu sinh viên và hơn 1 triệu học viên học nghề - đây sẽ là cơ sở để Việt Nam xây dựng khoảng 20 triệu công dân điện tử, do việc việc trang bị máy tính đến với các trường học, những vùng khó khăn sẽ bước đầu để thế hệ trẻ ở đây tiếp cận được với CNTT, từ đó tích lũy kiến thức và mở rộng tầm nhìn.

Một trong những chương trình hành động là các điểm bưu điện văn hóa xã cần phát huy vai trò trở thành điểm truy cập Internet và đưa thông tin về với cơ sở phục vụ cho con em dân tộc thiểu số. Thời gian qua, vai trò của Đoàn Thanh niên còn hạn chế, do vậy thanh niên ở từng đơn vị, địa phương phải là một trong những lực lượng được xác định đi đầu để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Phó Thủ tướng mong muốn, sau Hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đoàn Thanh niên nên có chương trình phối hợp để triển khai Đề án với tinh thần thanh niên là lực lượng nòng cốt đi đầu về công nghệ và phát huy các ý tưởng sáng tạo để khẳng định vị thế của Việt Nam về CNTT và Truyền thông trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh về những giải pháp theo chiều sâu và thiết thực để thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Đề án như cần có cơ chế tài chính phối hợp lồng ghép, khuyến khích các doanh nghiệp CNTT khuyến khích các nhà khoa học nước ngoài trong lĩnh vực CNTT làm việc cho Việt Nam; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình; Hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm CNTT…

Nguồn www.chinhphu.vn