KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY TÁI LẬP HUYỆN NINH PHƯỚC (8/1/1982 - 8/1/2012)

Ninh Phước hôm nay

30 năm về trước khi tái lập huyện, Ninh Phước vẫn còn là vùng đất nghèo, có điểm xuất phát thấp với quy mô nền kinh tế và các ngành sản xuất còn nhỏ bé, tư liệu sản xuất và trình độ sản xuất còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa được đầu tư đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

(NTO) Thế nhưng nhờ phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động và sáng tạo, ngày nay Ninh Phước đã mang bộ mặt mới của huyện nông nghiệp đang phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

 Ảnh: Văn Miên

Theo đồng chí Lê Văn Phong, Bí thư huyện ủy Ninh Phước, năm 1982, nếu giá trị sản xuất các ngành đạt 110 tỷ đồng thì tính đến năm 2009, năm chia tách thành lập mới huyện Thuận Nam, cả huyện Ninh Phước đã đạt 2.251,48 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất các ngành nông-ngư-lâm nghiệp tăng gấp 12 lần. Thu nhập bình quân đầu người/năm cũng đã tăng gấp 12 lần. Trong giai đoạn ấy, thành tựu nổi bật nhất của Ninh Phước là đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị ha canh tác, đồng thời đã làm tốt hơn quy hoạch ngành, vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Diện tích cây trồng hàng năm đã tăng từ 6.000 ha lên 24.300 ha. Đặc biệt trong canh tác cây lúa đã thực hiện các mô hình trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chuyển từ phân tán sang tập trung theo mô hình trang trại thâm canh, vỗ béo, đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 33,6% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Thủy sản đã có bước phát triển nhảy vọt trên các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; đáng nói là đã đưa Ninh Phước trở thành vùng trọng điểm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

  

Nhờ phát triển hệ thống thủy lợi, diện tích đất canh tác chủ động nước ở Ninh Phước
đã tăng lên trên 5.000 ha. Ảnh: B.Thương

Để có những thành tựu kể trên, trong 30 năm qua Ninh Phước đã huy động ngày càng nhiều các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ riêng trong giai đoạn 1991-2009, tổng vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã lên tới 1.608 tỷ đồng đầu tư cho các công trình phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Về thủy lợi, Ninh Phước đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa nước Tân Giang, Bàu Ngứ, Bàu Zôn, Núi Một, Sông Biêu, Lanh Ra, Tà Ranh và một số trạm bơm; kiên cố hóa 69 tuyến kênh với tổng chiều dài 63,8 km, tăng diện tích tưới 2 vụ lên trên 6.000 ha và tưới chủ động nước cho 5.200 ha đất trồng cây hàng năm; ngoài ra từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tiêu lũ Sông Lu 1, Sông Lu 2 và Sông Quao, góp phần làm giảm diện tích ngập úng cây trồng.

Ninh Phước trở thành vùng trọng điểm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Trong ảnh: Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện.
Ảnh: V.Miên

Về giao thông, từ chủ yếu là đường cấp phối hoặc cán đá, dạng kỹ thuật kém, Ninh Phước đã hoàn thành tuyến đường 703; mở rộng, nâng cấp đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh, đường Vụ Bổn-Nhị Hà-Phước Hà; nhựa hóa đường Phước Hậu-Phước Thái-Phước Hữu; bê-tông hóa đường An Long-Thành Tín, Cầu Móng-Phước Sơn; đường vào khu vực Hòn Khô; triển khai thi công đường Hữu Đức-Hậu Sanh, Quốc lộ 1A-Phước Thuận-703; đường giao thông liên xã, liên thôn và bê-tông hóa giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 186,66 km (62 tuyến) tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong huyện.

 

Nông dân xã Phước Thái sản xuất mây tre đan tạo việc làm nâng cao thu nhập
bảo đảm đời sống gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc

Từ sau khi chia tách huyện, điều chỉnh địa giới hành chính (tháng 10-2009), Ninh Phước tuy thu hẹp lại diện tích nhưng kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ và thu ngân sách nhà nước. Trong nông nghiệp đã đưa các loại giống mới và áp dụng kỹ thuật canh tác mới để nâng cao năng suất cây trồng, đến năm 2011 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 22.219 ha, tăng 4% so với năm 2010; chăn nuôi phát triển theo hướng coi trọng chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường với tổng đàn gia súc trên 74.000 con. Thủy sản dù chỉ còn lại nghề nuôi trồng và sản xuất giống nhưng hiệu quả cao, năm 2011 diện tích tôm sú thả nuôi đạt 133,7 ha, sản lượng 1.331,7 tấn; có 62 trại tôm giống đang hoạt động xuất bán 5.871 triệu con tôm post 15. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, đã thành lập mới 3 hợp tác xã (HTX) là HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, HTX gốm Bàu Trúc (Phước Dân) và HTX chế biến nông sản Thái Thuận (Phước Thuận). Ninh Phước đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển làng nghề-du lịch Chăm giai đoạn 2009-2011 và phối hợp triển khai Đề án Chiến lực marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

 

Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng bê tông hóa giao thông nông thôn đáp ứng
nhu cầu phát triển của địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có những chuyển biến rõ nét; sự nghiệp giáo dục, y tế, thông tin-truyền thông, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thẻ thao đạt nhiều kết quả. Đến nay 100% thôn, khu phố ở Ninh Phước có sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 99,9% hộ dân được sử dụng điện; hầu hết các xã có các công trình cung cấp nước sinh hoạt, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 83%.

 

Nhà nước đầu tư xây dựng mạng lưới y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh
cho nhân dân huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ của huyện Ninh Phước. Đồng chí Lê Văn Phong cho biết: “Từ những thành tựu, tiến bộ đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra, Ninh Phước đang tiếp tục phát huy, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra”. Con đường phía trước vẫn còn khó khăn, thách thức song với truyền thống có được, tin rằng cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Phước sẽ chung sức, chung lòng cùng bắt tay xây dựng quê hương Ninh Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước

Trong thành tựu 30 năm qua của huyện Ninh Phước, nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, từ một huyện thuần nông với giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 97% trong cơ cấu đã giảm dần còn 51% và tăng dần tỷ trọng thương mại-dịch vụ lên 31%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp lên 18%. Đến nay quy mô nền kinh tế đã tăng lên đáng kể, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là thủy lợi, giao thông, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Văn hóa-xã hội có những chuyển biến rõ nét, quốc phòng-an ninh được giữ vững, tăng cường.

Từ kết quả 30 năm xây dựng và phát triển, Ninh Phước xác định trong những năm tới vẫn là huyện nông nghiệp nhưng tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt là tập trung cho công tác quy hoạch sử dụng đất, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả trong nông nghiệp-nông thôn, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mớin
Đồng chí Trượng Thống, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ninh Phước

Góp phần vào thành quả 30 năm qua của Ninh Phước, Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức thành viên đã tăng cường khối đoàn kết các dân tộc trong huyện, động viên các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa.

Kế thừa thành quả đạt được, nhiệm vụ tập trung trong giai đoạn mới của Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức thành viên là tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; phát huy dân chủ và vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Phước ngày càng giàu, đẹp.
Ông Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải

Sau 30 năm tái lập huyện, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, nhất là xã được quy hoạch là vùng sản xuất giống nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước, đã góp phần thúc đẩy KT-XH ở địa phương phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện như: điện, đường, trường, trạm vì vậy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. An Hải từ một vùng quê nghèo, nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống của một quê hương anh hùng, cán bộ và nhân dân An Hải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, huy động tốt các nguồn lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.



Ông Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức, xã Phước Hữu

Huyện Ninh Phước đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng. Trong 30 năm qua, với nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã xây dựng được nhiều công trình quan trọng, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước, góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Các dự án, chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả mang lại những thay đổi lớn ở khu vực nông thôn, miền núi. Riêng ở thôn Hữu Đức, số hộ khá, giàu chiếm 92%; 100% đường giao thông nội thôn, liên thôn, xã được bê-tông hóa, nhựa hóa; 100% người dân có điện chiếu sáng; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; mạng lưới giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học hành, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các thiết chế văn hóa, lễ hội được bảo tồn và phát huy.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn

Chuyển biến rõ rệt nhất ở xã Phước Sơn sau 30 năm tái lập huyện chính là cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực sang sản xuất hàng hoá. Thông qua việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã giúp nông dân chủ động đưa các giống lúa lai, bắp lai chất lượng cao, ngắn ngày vào sản xuất; chú trọng đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với việc phát triển các giống cây trồng truyền thống, nhiều hộ nông dân đưa các giống cây mới vào sản xuất, trong đó cây táo đã trở thành cây “xóa nghèo” cho nhiều hộ nông dân. Chỉ riêng thôn Ninh Quý 2 có trên 300 hộ trồng táo với diện tích 110 ha, thu lãi từ cây táo tăng gấp 8-10 lần so với trồng lúa, bắp… Có thể nói, bộ mặt nông thôn xã Phước Sơn nói chung và thôn Ninh Quý 2 nói riêng sau 30 năm tái lập huyện đã đổi thay toàn diện, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm.


Ông Nguyễn Văn Phải, Phó Bí thư xã Đoàn An Hải

Sự trùng hợp năm nay đúng 30 năm tái lập huyện, cũng là 30 năm tôi được sinh ra và trưởng thành trên quê hương Ninh Phước. Tôi rất tự hào được nuôi dưỡng trong lòng quê hương giàu truyền thống cách mạng, lớn lên đã chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của huyện nhà. Được vinh dự chọn là người thay mặt tuổi trẻ huyện nhà, tôi xin gởi tới thế hệ cha anh sự trân trọng biết ơn vì đã đổ bao công sức xây dựng Ninh Phước phát triển như hôm nay.

Trong niềm vui đón chào sự kiện quan trọng này, tôi nghĩ thế hệ trẻ chúng tôi có bổn phận phải tiếp nối truyền thống cha anh, phát huy kết quả đạt được sau 30 năm, bằng các hành động cách mạng xung kích trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh với phương châm “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Tôi nguyện sẽ cùng các bạn trẻ kề vai sát cánh, chung tay xây dựng huyện nhà giàu đẹp, văn minh.