KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY TÁI LẬP HUYỆN NINH PHƯỚC (8/1/1982 - 8/1/2012)

Đảng bộ huyện Ninh Phước qua 30 năm xây dựng và phát triển

Trong thời kỳ kháng chiến, Ninh Phước đã đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996.

(NTO) Phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, 30 năm qua, kể từ ngày tái lập huyện (8-1-1982), dù có thay đổi địa giới hành chính, nhưng Đảng bộ huyện Ninh Phước đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.

Nông dân huyện Ninh Phước chú trọng đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp,
nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng. Ảnh: V.Miên

Năm 1982, khi bước vào những ngày đầu hoạt động, toàn Đảng bộ huyện Ninh Phước chỉ có 364 đảng viên (ĐV) sinh hoạt ở 29 chi bộ trực thuộc. Do mới vừa tái lập, đội ngũ cán bộ (CB) các cấp trong huyện còn thiếu và yếu. Thế nhưng nhờ sự tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác CB luôn được các cấp ủy đảng quan tâm, nên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ huyện đã từng bước nâng lên ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ninh Phước đã có những thành tích nổi bật trong thời kỳ xây dựng đất nước, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1996) và hạng Hai (năm 2002). Cùng với đó là sự phát triển của các tổ chức đảng, tính đến ngày 1-10-2009, sau khi chia tách huyện, Đảng bộ huyện Ninh Phước vẫn còn 48 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) bao gồm 12 đảng bộ và 36 chi bộ cơ sở với tổng số 1.349 ĐV, trong đó có 9 đảng bộ xã, thị trấn, 2 đảng bộ lực lượng vũ trang, 1 đảng bộ sự nghiệp và có 132 chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã, thị trấn và cơ quan.

Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi Lanh Ra phục vụ tưới cho trên 1000 ha
đất canh tác xã Phước Vinh, Phước Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong giai đoạn kể từ sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập mới huyện Thuận Nam (tháng 10-2009), công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở huyện Ninh Phước mới vẫn không ngừng chuyển biến tích cực. đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Nhìn chung TCCSĐ trong đảng bộ không ngừng phát triển và phù hợp theo yêu cầu mới, các tổ chức đảng thành lập đến hầu hết các thôn, khu phố, lực lượng dân quân, trường học”. Đảng bộ huyện Ninh Phước hiện có tổng số trên 1.500 ĐV sinh hoạt tại 51 TCCSĐ (12 đảng bộ cơ sở và 39 chi bộ trực thuộc huyện ủy). Đáng chú ý là chất lượng hoạt động của các TCCSĐ ngày càng được nâng cao, luôn giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở địa phương, cơ sở. Thông qua việc đổi mới, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp ủy đảng đã thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, vận động quần chúng nhân dân triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Qua đánh giá, phân loại TCCSĐ hàng năm, số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh ngày càng tăng lên thấy rõ. Nếu năm 1982 có 1/30 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, năm 1986 có 12/30, năm 2009 có 38/48 thì cuối năm 2010, đã có 40/51 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

Trung tâm HTCD xã Phước Hậu (Ninh Phước) liên kết với Trung tâm dạy nghề
mở lớp phổ cập tin học cho đồng bào Chăm. Ảnh: Sơn Ngọc

Sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện Ninh Phước còn thấy rõ qua công tác kết nạp ĐV mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đặc biệt kết thúc năm 2011, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 107 ĐV, vượt xa chỉ tiêu đề ra là 87 ĐV mới. Chất lượng ĐV ngày càng được nâng lên, nếu năm 2009 số ĐV đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 87,05% thì năm 2010 tỷ lệ ấy đã là 91,47%. Công tác tổ chức CB luôn được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, có chất lượng đảm bảo đủ năng lực trình độ thực hiện nhiệm vụ được giao; trên cơ sở quy hoạch, CB lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Ninh Phước, đến nhiệm kỳ 2011-2016 đội ngũ CB đã trưởng thành về mọi mặt, trong 37 thành viên BCH Đảng bộ huyện đã có 81,1% có trình độ đại học, 75,67% có trình độ lý luận chính trị cao cấp. CB quản lý trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương có 59 đồng chí, trong đó chiếm 81,35% có trình độ đại học chuyên ngành và 47,45% có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 60% số ấy được bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. CB chủ chốt xã, thị trấn có 53 đồng chí, trong đó có 20,75% có trình độ đại học, 26,41% đang học đại học, 13,20% có trình độ cao cấp và 79,25% tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị.

Chăn nuôi gia súc có sừng là một trong những thế mạnh của nông dân huyện Ninh Phước.
Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn lại chặng đường 30 năm, có thể nói Đảng bộ huyện Ninh Phước đã kế thừa và phát huy hiệu quả truyền thống anh hùng trong chiến tranh, thể hiện rõ qua việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ và chất lượng đội ngũ CB, ĐV. Đặc biệt Đảng bộ đã từng bước hoàn thiện mô hình các tổ chức đảng theo hướng phù hợp, sát với địa bàn dân cư, ngành, nghề, chuyên môn và làm tốt công tác đào tạo, luân chuyển CB. Đó là nhân tố quan trọng tạo động lực cho đảng bộ lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra.