Căn bệnh loãng xương diễn biến âm thầm, hàng ngày lấy dần calcium trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể. Khi có dấu hiệu lâm sàng (thường là lúc đã có biến chứng), cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khu vực châu Á được dự báo là sẽ chiếm tới 50% bệnh nhân loãng xương của cả thế giới. Người Việt Nam càng có nguy cơ cao vì thói quen ăn uống và điều kiện dinh dưỡng. Chế độ ăn kém canxi, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D, ít hoạt động thể lực, sinh đẻ nhiều lần, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải calcium qua đường thận và giảm hấp thu calcium ở đường tiêu hóa.
Bác sĩ Lê Thị Hải Hà, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương cho biết, người bệnh bị loãng xương chỉ phát hiện ra cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi. Vì vậy, cần ngăn chặn loãng xương bằng cách ăn nhiều tôm, cua nhỏ. Uống sữa đều đặn mỗi ngày. Thường xuyên luyện tập thể dục sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất.
Các triệu chứng lâm sàng của loãng xương:
- Các triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thương nhẹ (ngã ngồi, va chạm nhẹ, đi ô tô xóc, mang xách một vật gì…) có thể xuất hiện từ từ tăng lên.
- Đau xương: Thường đau ở vùng xương chịu tải của cơ thể (cột sống, thắt lưng, chậu hông) đau nhiều nếu là sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát.
- Đau tăng khi vận động đi lại đứng ngồi lâu, giảm khi nằm nghỉ.
- Hội chứng kích thích rễ thần kinh.
- Đau có kèm với dấu hiệu chèn ép, kích thích rễ thần kinh như đau dọc theo các dây thần kinh liên sườn, dọc các dây thần kinh đùi, đau tăng khi ho, hắt hơi nín thở.
- Lún nứt hoặc loãng xương
- Lún đốt sống, gù còng, nứt hoặc gãy cổ xương đùi, xương cẳng tay, cổ tay xảy ra sau một vụ va chạm mạnh hay chấn động nhẹ.
Nguồn VTV.VN