Phát triển Khoa học - Công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH

Năm 2011, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ không ngừng phấn đấu, nỗ lực khắc phục những khó khăn, tiếp tục củng cố phát triển về mọi mặt và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

(NTO) Trong năm, có 81 đề tài, dự án KH&CN các cấp được triển khai tại tỉnh ta. Trong đó: 7 đề tài, dự án KH&CN cấp nhà nước (5 đang triển khai, 2 mới được phê duyệt); 55 đề tài, dự án cấp tỉnh (20 nghiệm thu, 1 đình chỉ, 18 đang triển khai, 16 đang làm thủ tục phê duyệt), các dự án cấp huyện là 19 (7 dự án đang triển khai,12 mới được phê duyệt). Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình canh tác, sản xuất mới trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp; nghiên cứu các cơ sở khoa học, thông số dữ liệu phục vụ cho khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường,...

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN Ninh Thuận
với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Ảnh: CTV

Điểm nổi bật trong hoạt động năm 2011 của ngành KH&CN là sự đổi mới tư duy về đối tượng phục vụ - hướng vào doanh nghiệp (DN). Các quan điểm phổ biến trước đây, thường cho rằng nhiệm vụ của ngành KH&CN chỉ đơn thuần là thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN. Chính vì vậy chúng ta đã chưa tập trung đúng mức cho công tác hỗ trợ DN về KH&CN như cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…Từ nhận thức đó, ngành KH&CN tỉnh đã tập trung nguồn lực về con người, tài chính để đẩy mạnh các mặt hoạt động KH&CN hỗ trợ DN, trong đó tập trung vào hỗ trợ cải tiến, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, tiết kiệm năng lượng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước.

Qua khảo sát thực tế tại 16 DN trên địa bàn tỉnh, ngành đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ DN về KH&CN giai đoạn 2011- 2015. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về KH&CN cho các DN thông qua các hoạt động như: tổ chức một số DN tham gia các hội chợ công nghệ (Techmart), tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng trong hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức trong việc bảo hộ nhãn hiệu đối với DN vừa và nhỏ, tổ chức hội thảo khoa học về "Tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng”, dự án “Đào tạo nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giám đốc, phó giám đốc và cán bộ quản lý năng lượng của DN"; tư vấn cho DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa như: xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể cho thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, rau an toàn Văn Hải; hỗ trợ về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 9 đơn vị (4 bảo hộ nhãn hiệu trong nước, 2 DN bảo hộ nhãn hiệu nước ngoài; 3 nhãn hiệu tập thể và 1 xin cấp bằng sáng chế); vận động 2 DN tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2011, v.v...

Mô hình trồng rau an toàn ở phường Văn Hải (PR-TC). Ảnh: V.T

Tuy nhiên, những hoạt động trên chỉ là những bước khởi đầu, để cho DN nhận thức được nhãn hiệu hàng hóa là tài sản của DN dễ bị xâm phạm, cần được bảo vệ; đổi mới công nghệ, thiết bị và tiết kiệm năng lượng là nhằm mang lại lợi ích, trước hết là cho DN là cả một quá trình để DN hiểu và hưởng ứng, đăng ký thực hiện.

Phương hướng, nhiệm vụ của ngành KH&CN trong năm 2012 tập trung thực hiện thành công Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 1-12-2011 của Tỉnh ủy và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 của UBND tỉnh. Xác định nhiệm vụ tập trung trong năm phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản về cơ chế chính sách trong lĩnh vực KH&CN như: Chỉ thị về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về KH&CN và nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN đến năm 2020; Chỉ thị về thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư; Dự án nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa các DN nhỏ và vừa đến năm 2020; Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị về việc đẩy mạnh quản lý thương hiệu trên địa bàn tỉnh; Xây dựng Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Ninh Thuận đến năm 2015 và 2020.

Đội ngũ cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Ảnh: Văn Miên

- Tăng cường tiềm lực KH&CN của tỉnh từ việc tranh thủ nguồn đầu tư của Bộ KH&CN cho 3 dự án: Trại thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao- 15 ha ở huyện Bác Ái; Đầu tư nâng cấp thiết bị phòng thí nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN và Đầu tư nâng cao năng lực kiểm định - hiệu chuẩn tại Chi cục Đo lường Chất lượng với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

- Về đề tài, dự án tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu chống sa mạc hóa, ứng phó biến đổi khí hậu; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác thực hiện nhiệm vụ KH&CN với các cơ quan, đơn vị khoa học có uy tín trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ DN về KH&CN với đa dạng các hoạt động như: Tư vấn, hỗ trợ cho 10-15 DN trong tỉnh đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh (nước mắm, cừu, dê, tỏi...), triển khai dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình địa phương” giai đoạn 2012-2013; hỗ trợ DN thực hiện kiểm toán năng lượng, tham gia các hội chợ công nghệ quốc gia; triển khai dự án nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa các DN nhỏ và vừa của tỉnh đến năm 2020; hỗ trợ các DN trong tỉnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ tiên tiến và đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia hàng năm,...

- Kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên địa bàn, thực hiện tốt quy định của UBND tỉnh về phân công quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN, công tác triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN cho cán bộ quản lý KH&CN ở cấp cơ sở, cấp huyện.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông KH&CN thông qua tăng cường liên kết, hợp tác với Báo Ninh Thuận và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đồng thời cải tiến về nội dung, hình thức các bản tin, tạp chí KH&CN do ngành xuất bản.

- Triển khai cho 21 cơ quan hành chính thực hiện chuyển đổi phiên bản từ TCVN ISO 9001:2000 sang TCVN ISO 9001:2008 và mở rộng phạm vi thực hiện. Đồng thời hướng dẫn cho 8 cơ quan hành chính xác định phạm vi xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 đã được phê duyệt.

Nhiệm vụ ngành KH&CN năm 2012 rất nặng nề nhưng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành hỗ trợ và nhất là sự đồng thuận của các DN trong tỉnh chắc chắn ngành sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.