Tháng 1: Năm 2011 khởi đầu bằng việc kính viễn vọng Hubble của NASA phát hiện thiên hà “cao tuổi” nhất vũ trụ. Thiên hà tuyệt đẹp tên UDFj-39546284 này (ảnh) được hình thành từ 13,2 tỷ năm trước (trong khi bản thân vũ trụ chỉ có 13,7 tỷ tuổi). Các nhà thiên văn tin rằng các ngôi sao trong thiên hà này là những vật chất đầu tiên chiếu sáng trong vũ trụ của chúng ta.
Thiên hà tuyệt đẹp tên UDFj-39546284 được hình thành từ 13,2 tỷ năm trước
Tháng 2: Cơ quan không gian Ấn Độ đã gây chấn động làng thiên văn học thế giới khi phát hiện ra hang động khổng lồ nằm dưới lòng đất Mặt Trăng. Chiều rộng của hang khoảng 120m và chiều dài hơn 1,7km. Các nhà khoa học đã đặt giả thuyết về việc xây dựng một tòa nhà cho phi hành gia ở đây. Thậm chí nhiều người còn mơ tới một thành phố nho nhỏ.
Tháng 3: Lo ngại về 370.000 mảnh vỡ từ các tên lửa cũ và vệ tinh hỏng đang bay lơ lửng trên quỹ đạo trái đất, Nasa đã đề xuất giải pháp bắn laser để làm chệch hướng chúng. Các hạt photon trong chùm tia laser mang theo một xung lượng nhỏ có thể thay đổi đường đi của một mảnh rác khoảng 198m mỗi ngày. Biện pháp này nhằm tránh “hội chứng Kessler” khi có quá nhiều rác vệ tinh bay quanh trái đất, sẽ gây ra nguy cơ va chạm với các vệ tinh đang hoạt động và Trạm vũ trụ quốc tế ISS, khiến con người bị giăng bẫy trên chính hành tinh của mình.
Tuy nhiên, có một sự kiện lớn hơn xảy ra vào tháng 3. Đó là việc mặt trăng tiến lại gần trái đất nhất kể từ năm 1993. Từ hành tinh chúng ta nhìn Mặt Trăng vào thời điểm này thì "Cung chị Hằng" sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30%.
Tháng 4: Những nhà thiên văn đã rất phấn khởi khi lần đầu tiên tận mắt chứng kiến vụ nổ sáng nhất. Một ngôi sao xa xôi bị một siêu lỗ đen phá vỡ, tạo nên đĩa plasma tỏa ra ánh sáng có cường độ bằng 1 ngàn tỷ lần ánh sáng Mặt Trời.
Tháng 5: Thời điểm diễn ra cơ hội 10 năm có một cho những ai đam mê ngắm nhìn bầu trời đêm. Sao Hỏa, sao Mộc, sao Kim và sao Thủy đã cùng hội tụ trên bầu trời đêm và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhiều người còn dí dỏm gọi sự kiện này là “Hội nghị thượng đỉnh thiên cung”.
Tháng 6: Một vụ nổ bức xạ tia gamma bất thường đã xảy ra tại một thiên hà nhỏ nằm trong chòm sao Thiên Long (Draco) cách Trái Đất 3,8 tỷ năm ánh sáng. Đây là sự kiện chỉ diễn ra 1 triệu năm một lần.
Tháng 7: Các nhà khoa học đã phát hiện đám mây hơi nước khổng lồ bao quanh một chuẩn tinh xa nhất vũ trụ. Lượng nước của đám mây này nhiều gấp 4.000 lần lượng nước có trong Dải Ngân Hà. Điều này củng cố quan niệm rằng có một lượng nước dồi dào khắp vũ trụ.
Tháng 8: Các nhà thiên văn Australia đã phát hiện ra một hành tinh kỳ diệu được cấu tạo hoàn toàn bằng carbon tinh thể hay còn gọi là kim cương. Khối lượng của nó cỡ bằng sao Mộc nhưng độ dày đặc của nó gấp 20 lần sao Mộc. Có lẽ nó là ngôi sao lấp lánh nhất trên bầu trời.
Ảnh minh họa
Tháng 9: Phát hiện hành tinh Kepler-16b, cách Trái Đất 200 năm ánh sáng, giống với một hành tinh trong bộ phim giả tưởng nổi tiếng Star Wars có 2 Mặt Trời. Nhưng đó là nơi con người không thể sống được vì Kepler-16b là hành tinh khí khổng lồ và lạnh lẽo giống sao Thổ. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy sự tồn tại của một hành tinh xoay quanh 2 ngôi sao như vậy.
Tháng 10: Nhân loại đã suýt duyệt vong vào năm 1883. Các nhà thiên văn thế kỷ 19 đã ghi nhận 450 vật thể đi xoẹt qua bề mặt mặt trời. Đến mãi tháng 10-2011, các nhà khoa học hiện đại xác nhận được đó là những mảnh vỡ sao chổi bay ngang rất gần Trái Đất. Mỗi mảnh như thế nếu va vào hành tinh chúng ta sẽ gây ra sức công phá gấp 1.000 lần bom nguyên tử. Rất may, nhân loại vẫn tồn tại.
Tháng 11: Website của Nhà Trắng đã chính thức bác bỏ giả thuyết về sự tồn tại của Vật thể bay không xác định (UFO). Chính phủ Mỹ chưa tìm thấy bằng chứng về bất cứ sự sống nào tồn tại ngoài hành tinh xanh. Mỹ khẳng định không có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy các chính phủ che dấu về việc gặp gỡ người ngoài hành tinh.
Ảnh minh họa
Tháng 12: Thời điểm chúng ta đón chào “Trái Đất 2.0”. Kính viễn vọng Kepler của NASA đã phát hiện một hành tinh giống Trái Đất trong “vùng vũ trụ có thể sinh sống được” và quay quanh một ngôi sao không khác Mặt Trời. Hành tinh có tên Kepler 22-b này (ảnh) có nhiệt độ khoảng 72 độ C và nhiều khả năng có nước. Nhưng bạn chớ vội chuẩn bị hành lý vì nó nằm cách Trái Đất đến 600 năm ánh sáng. Đây là cột mốc quan trọng trong công cuộc tìm kiếm các hành tinh giống trái đất.
Theo SGGP Online