(NTO) Cuộc thi do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Sở Giáo Dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và học sinh, thanh- thiếu niên nói riêng về tầm quan trọng của tài nguyên nước thể hiện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải nhóm THPT.
Được triển khai từ tháng 8-2011, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 9.927 bài dự thi, trong đó có 7.588 bài thi viết và 2.339 tranh vẽ của các thí sinh là học sinh các khối Tiểu học, THCS, THPT và giáo viên của gần 80 trường học trong toàn tỉnh. Một số trường có đông học sinh và thầy, cô giáo tham gia như: Tiểu học Phước Dinh, THCS Nguyễn Văn Trỗi, THPT An Phước…
Với hai hình thức thi là viết và vẽ tranh, cuộc thi đã tạo cơ hội cho các thí sinh thể hiện phong phú hơn ý tưởng của mình, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo trong việc đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Riêng phần thi viết có 2 phần là trắc nghiệm và tự luận cũng được nhiều thí sinh nhận xét là cách làm hay, phù hợp với chủ đề và yêu cầu của cuộc thi, để cuộc thi không chỉ là cơ hội thi tài mà còn là nơi giao lưu, học hỏi, bổ sung thêm kiến thức. Em Cao Tú Anh, học sinh lớp 81, Trường THCS An Dương Vương, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Em rất thích hình thức tham gia cuộc thi như thế này. Qua những câu hỏi trắc nghiệm, học sinh chúng em được biết thêm những thông tin bổ ích về nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta cũng như trên toàn thế giới. Phần thi tự luận là cơ hội cho chúng em bày tỏ ý tưởng, đưa ra đề xuất để bảo vệ tài nguyên nước, hay được nói lên thực trạng nước ở ngay chính quê hương, địa phương mình”.
Điều đặc biệt là cuộc thi đã nhận được sự tham gia rất đông học sinh khối tiểu học và THCS. Theo nhận xét của Ban tổ chức, các bài thi viết của học sinh tiểu học và THCS có tính chân thực cao, ngôn ngữ trong sáng. Nhiều bài viết các em rất sáng tạo, có sự đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức và cũng nêu lên những vấn đề rất thực tiễn và gần gũi, đã thuyết phục được ban giám khảo và người đọc. Ban tổ chức cũng đánh giá cao những đề xuất rất sát thực của các thí sinh nhỏ tuổi trong vấn đề bảo vệ tài nguyên nước. Những đề xuất, ý tưỏng của các em đã biết bám sát thực tế, thể hiện ước muốn, trách nhiệm của “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, góp phần làm sạch những dòng sông quê hương và tuyên truyền trong cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ nguồn nước luôn trong sạch.
Nếu những bài thi viết chất lượng được tập trung vào những thí sinh nhỏ tuổi thuộc khối tiểu học và THCS thì hình thức vẽ tranh lại được trải đều cho cả 3 nhóm: Tiểu học, THCS, THPT và giáo viên. Với những nét vẽ sống động, linh hoạt… nhiều bức tranh gây được ấn tượng mạnh cho người xem và có tác động tuyên truyền, cổ động cao. Bên cạnh đó là những lời bình đầy cảm xúc góp phần thuyết phục người xem và đem lại thành công hơn cho tác phẩm. Thầy Văn Thành Công, giáo viên Trường THCS Quang Trung, huyện Ninh Hải cho biết: “Bức tranh của tôi được thể hiện rõ 2 mảng màu sáng và tối. Màu tối thể hiện thực trạng và những nguồn nước đang bị ô nhiễm, những việc làm vô ý của con người đã và đang làm cho các dòng nước dần mất đi. Màu sáng là ý chí, là hy vọng về những việc làm thiết thực của chúng ta để cùng chung tay bảo vệ nguồn nước”.
Trong số 134 bài dự thi lọt vào vòng chung khảo, ban tổ chức đã trao 41 giải cá nhân bao gồm 24 giải bài thi viết và 17 bài thi vẽ tranh cho cả 3 nhóm. Trong đó, nhóm tiểu học có 1 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 3 giải khuyến khích. Nhóm THCS có 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 3 giải khuyến khích. Nhóm THPT và giáo viên có 1 giải nhì, 8 giải ba và 8 giải khuyến khích. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 1 giải nhất tập thể cho Trường THCS An Dương Vương, huyện Ninh Hải; giải nhì thuộc về Trường TH Bảo An 1, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm; giải 3 là Trường THPT Trường Chinh, Ninh Sơn. 3 giải khuyến khích tập thể được trao cho các trường: TH Mỹ Hương, THCS Lý Tự Trọng, THCS Nguyễn Văn Trỗi, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.
Hy vọng rằng, từ những tác phẩm đoạt giải, mỗi ý tưởng, mỗi đề xuất, mỗi thông điệp tuyên truyền sẽ được nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng để bảo vệ tài nguyên nước trở thành ý thức, nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Nhật Quỳnh