Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã quán triệt tinh thần trên đây với cán bộ chủ chốt, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT tại hội nghị phân bổ kế hoạch ngân sách năm 2012 cho các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ được tổ chức sáng ngày 24-12, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị còn có các thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Bùi Văn Ga, Trần Quang Quý; lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng, Văn phòng Bộ; thủ trưởng và cán bộ chủ chốt các Viện, Học viện, Đại học vùng, các trường ĐH-CĐ, dự bị Đại học, trường PTDT nội trú, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT.
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện có 38 trường ĐH-CĐ (trong đó có 3 ĐH vùng và 30 trường ĐH, 3 trường CĐ, 1 học viện, 1 viện), 1 trường cán bộ quản lý, 4 trường dự bị ĐH, 3 trường DTNT trực thuộc Bộ GD-ĐT.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong năm 2011, kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy toàn ngành ước đạt 93% kế hoạch đề ra. Trong đó, đào tạo các hệ: dự bị ĐH, TCCN, ĐH-CĐ, Thạc sĩ, Tiến sĩ đều tăng so với chỉ tiêu được duyệt (từ 6,2% đến 49%)…
Đội ngũ giảng viên (GV) cơ hữu đã được các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT chú trọng tăng cường, phát triển lên đến 22.403 GV. Đáng chú ý, tỉ lệ GV có trình độ Tiến sĩ trở lên chiếm 21,13% ở các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, trong khi đó, tỉ lệ bình quân của cả nước đang ở mức 11,9%.
Tiết giảm tối đa trong chi ngân sách sự nghiệp GD-ĐT
Năm 2011, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT thu phí và lệ phí với tổng số 2.600 tỷ đồng. Kết quả, trong năm qua, Bộ đã thu học phí vượt 5,4% so với dự toán được giao với tổng mức thu đạt 2.591,8 tỷ đồng; thu lệ phí tăng 42,3% so với dự toán, đạt 199,3 tỷ đồng.
Trong năm 2011, tổng chi ngân sách sự nghiệp GD-ĐT 5.466,5 tỷ đồng (gồm 4.522,8 tỷ đồng vốn trong nước, 943,7 tỷ đồng vốn ngoài nước). Trong đó, chi thường xuyên là 3.063,4 tỷ đồng; sự nghiệp KHCN 286,7 tỷ đồng; quản lý hành chính 51,54 triệu đồng; bảo vệ môi trường 10 tỷ đồng; sự nghiệp kinh tế 4,05 tỷ đồng; đảm bảo xã hội 0,38 tỷ đồng; trợ giá báo chí 150 triệu đồng; chương trình mục tiêu quốc gia 368,048 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 898,5 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường và đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, sắp xếp lại kế hoạch hoạt động của năm theo hướng giảm tối đa số lượng, quy mô và kinh phí chi hội nghị, hội thảo, giảm các đoàn công tác trong và ngoài nước; tiết kiệm tối đa việc sử dụng xăng dầu, văn phòng phẩm, điện, nước…; tạm dừng ngay việc trang bị mới xe ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn; bố trí lại các nhiệm vụ chi thường xuyên trong phạm vi dự toán còn lại (sau khi đã trừ tiết kiệm chi 10%). Kết quả là Bộ GD-ĐT đã tiết kiệm được 34,9 tỷ đồng từ việc rà soát, giao thêm tiết kiệm chi 10% trong 9 tháng cuối năm và giảm trừ dự toán giao từ đầu năm.
Theo quy hoạch và kế hoạch đào tạo, dự kiến tuyển sinh, đào tạo các hệ chính quy và các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong năm 2012, dự kiến Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao dự toán ngân sách như sau:
Thu phí và lệ phí 4.388,832 tỷ đồng (tăng 13,7% so với năm 2011). Chi ngân sách nhà nước 5.762,217 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm 2011). Trong đó chi thường xuyên 4.832,530 tỷ đồng (tăng 15,1% so với năm 2011); chương trình mục tiêu quốc gia (sẽ phân bổ ngay khi nhận được kế hoạch TƯ giao); chi đầu tư phát triển 929,687 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm 2011).
Đoàn chủ tịch tại Hội nghị.
Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ phân bổ ngân sách theo nguyên tắc: đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trên cơ sở dự toán và tiến độ thực hiện của các dự án; trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm quốc gia như dự án xây dựng trường ĐH Việt Đức, thực hiện từ nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng thế giới (WB), dự án xây dựng trường ĐH KHCN Hà Nội thực hiện từ nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các dự án vay vốn của hai tổ chức WB và ADB;
Đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặc thù: các kì thi, tuyển sinh; thực hiện Đề án “đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008-2015”, các Đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài, kinh phí đào tạo theo cơ chế đặc thù cho trường ĐH Việt Đức và trường ĐH KHCN Hà Nội;
Phân bổ kinh phí theo chỉ định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với các nhiệm vụ cấp nhà nước và các nhiệm vụ mới trong năm 2012 được chỉ định kinh phí. Ưu tiên phân bổ cho các nhiệm vụ để thực hiện đảm bảo tiến độ, nội dung được duyệt. Đảm bảo quỹ lương và hoạt động bộ máy…
Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị trường học năm 2011 khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT trong năm 2011, theo báo cáo tại hội nghị, Tổng mức đầu tư là 898,500 tỷ đồng, trong đó, có 738,500 tỷ đồng vốn trong nước, 160,000 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Tổng số dự án đầu tư xây dựng cơ bản các trường ĐH-CĐ và đơn vị trực thuộc trong năm qua là 63 dự án. Từ thời điểm có Nghị quyết số 11 của Chính phủ ngày 24/2/2011 đến hết năm 2011, không có dự án nào khởi công mới; đến thời điểm tập hợp báo cáo, có 6/9 dự án chuyển tiếp từ năm 2010 đã được hoàn thành.
Trong năm vừa qua, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 62.000 mét vuông xây dựng, tăng thêm diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, nhà làm việc các khoa, KTX sinh viên và nhà luyện tập TDTT…
Theo đánh giá, công tác giải ngân của các đơn vị về cơ bản hoàn thành trong năm 2011. Việc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành năm 2011 đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán ngày càng tăng. Nhiều đơn vị đã có những nỗ lực, tập trung thời gian và bố trí cán bộ làm quyết toán, có cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ về công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quyết toán dự án còn chưa được một số chủ đầu tư quan tâm đúng mức nên còn khá nhiều tồn tại cần phải được giải quyết sớm để tất toán được số vốn đã thanh toán, đánh giá được hiệu quả đầu tư. Còn nhiều trường hợp gặp khó khăn trong việc quyết toán nguồn vốn hoặc vì cơ chế quản lý nguồn vốn này còn nhiều bất cập, hoặc vì trình độ quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế…
Khai thác, sử dụng hiệu quả thiết bị được đầu tư
Trong năm 2011, tổng kinh phí dự toán đầu tư cho các dự án sử dụng vốn Chương trình tăng cường năng lực đào tạo các cơ sở đào tạo ĐH-CĐ, chương trình đào tạo cán bộ tin học, đưa tin học vào nhà trường và các nguồn kinh phí khác cho các trường CĐ-ĐH và các đơn vị trực thuộc Bộ là 171,177 tỷ đồng.
Tính đến tháng 2/12/2011 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo mới đạt 33,2%. Theo dự kiến, các đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành giải ngân đạt 100% trước ngày 31/12.
Nhìn chung, các thiết bị đầu tư đã được các đơn vị tổ chức khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao kế hoạch nguồn vốn xây dựng cơ bản năm 2012. Cụ thể, tổng mức vốn đầu tư 929,687 tỷ đồng, trong đó, có 844,687 tỷ đồng vốn trong nước, 85 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Trong đó, thu hồi vốn đã đối ứng các năm trước trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2012 là 89,461 tỷ đồng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, do vậy, trên thực tế, Bộ chỉ được cấp 755,226 tỷ đồng vốn trong nước.
Bộ GD-ĐT sẽ phân bổ vốn trên nguyên tắc: bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, bàn gia và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng ODA theo tiến độ thực hiện.
Ngành GD-ĐT không bố trí dự án mới. Ngành KHCN có 01 dự án mới, ngành cấp nước và xử lý nước thải có 02 dự án mới, chương trình mục tiêu giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có 01 dự án mới.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo về tình hình và những khó khăn trong công tác di dời một số trường ĐH-CĐ từ nội thành TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch theo chủ trương của Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị đã giành thời gian nghe các ý kiến của các trường, các cơ quan, đơn vị trực thuộc xung quanh kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2012. Các ý kiến chủ yếu tập trung kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm đề nghị Bộ Tài chính nâng mức học bổng giành cho học sinh các trường DTNT lên bằng với lương tối thiểu để đảm bảo đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho các em; Bộ cần chú ý tới yếu tố vùng miền khi phân bổ ngân sách cho các ĐH vùng, nhất là các ĐH vùng núi phía Bắc; cần có cơ chế linh hoạt cho các trường tạo nguồn thu để duy trì hoạt động…
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục quản lý cơ sở vật chất - Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em Bộ GD-ĐT đã giải đáp các ý kiến trên của các trường, các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Giáo dục và đào tạo là một bộ phận của quá trình đó do vậy không thể tách rời quan điểm phát triển trên đây.
Thêm vào đó, điểm mấu chốt trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội vừa qua đã chỉ rõ chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém. Do vậy, trong thời gian sắp tới, ngành giáo dục và đào tạo phải chú trọng vào chất lượng đào tạo, không thể mãi chạy theo số lượng mới mong góp phần cùng toàn ngành đổi mới căn bản, toàn diện. Là các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ của Bộ phải đi đầu thực hiện chủ trương này Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu, các cán bộ chủ chốt, thủ trưởng các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT trong hội nghị ngày hôm nay phải quán triệt sâu sắc tư tưởng này cũng như các nhiệm vụ trọng tâm khác để chỉ đạo triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.
Về công tác di dời các trường ĐH từ nội thành ra các khu quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị, các trường chủ động phối kết hợp với các phòng chuyên môn của các địa phương nhằm hoàn tất các hồ sơ thủ tục về mặt bằng ở cả nơi đi và nơi đến. Đồng thời, cần phải chủ động các phương án kiến trúc chi tiết, khoa học cho tại địa điểm mới để đẩy nhanh tiến độ của công tác di dời. Việc này các trường phải làm ngay, Bộ không thể làm thay các trường được Bộ trưởng yêu cầu.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại