Nhật Bản có thể mất 40 năm xử lý các lò phản ứng

Việc xử lý các lò phản ứng bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Nhật Bản) có thể phải mất 40 năm. Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng hạt nhân Goshi Hosono đã cho biết.

Ông Goshi Hosono cho biết thêm, Bộ Khủng hoảng hạt nhân cũng không thể hoàn toàn lường trước mọi khả năng có thể xảy ra vì đây là một dự án chưa từng có tiền lệ.

 Cảnh tượng đổ nát tại nhà máy hạt nhân Fukushima I. (Ảnh: BBC)

Theo các nhà chức trách Nhật Bản, việc dỡ bỏ các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn. Trước tiên sẽ là dỡ bỏ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng khỏi bể chứa, ước tính quá trình này mất chừng 2 năm. Sau đó, việc lấy các thanh nhiên liệu đã bị tan chảy sẽ phải mất thêm khoảng 25 năm. Từ đó, để xử lý hoàn toàn nhà máy sẽ phải mất thêm hơn 10 năm nữa. 

Tuy nhiên, các nhà chức trách hứa quá trình này sẽ được thực hiện song song với các nỗ lực để đảm bảo việc kiểm soát các chất phóng xạ trong vòng an toàn. 

"Mục tiêu của chúng tôi là hoàn toàn dỡ bỏ nhà máy hạt nhân này trong vòng 30-40 nữa, sau khi kết thúc giai đoạn 2 của lộ trình. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tìm cách để đưa những thanh nhiên liệu bị tan chảy vào bể chứa an toàn", ông Goshi Hosono cho biết:

Quá trình xử lý kéo dài nhiều thập kỷ này được dự tính là sẽ đặt một gánh nặng khổng lồ về tài chính lên TEPCO, công ty sở hữu nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tuy nhiên, Bộ trưởng Goshi Hosono cam kết sẽ không để quá trình này bị chậm trễ vì những khó khăn tài chính.

Trước đó, cuối tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã tuyên bố hoàn thành quá trình đóng lạnh các lò phản ứng bị hư hại, đồng nghĩa với việc Tokyo đã có thể đưa nhà máy Fukushima vào trạng thái ổn định 9 tháng kể từ khi sự cố xảy ra.

Dự kiến trong thời gian tới, chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành đưa dân cư trở lại một số vùng bị nhiễm phóng xạ trước đây nhưng đã được kiểm soát.

Nguồn VTV.VN