Nay không còn phục vụ tại ngũ, nhưng Đại tá - nhà thơ Trần Thế Tuyển vẫn đau đáu đề tài người lính. Anh tâm sự: “Mình còn nợ đồng đội nhiều lắm, cầm bút vì tình đồng đội trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt”. Song song với nghề báo, Trần Thế Tuyển còn vương nghiệp văn chương. Trong những ngày cuối năm 2011, anh vừa xuất bản cùng lúc 2 tuyển tập: tuyển tập thơ văn Tiếng vọng và tuyển tập tác phẩm báo chí chọn lọc Ký ức xanh (cả hai đều do NXB Hội Nhà văn thực hiện).
Xuất thân là một người lính, rồi là một nhà báo, cả hai hợp tuyển của anh mặc nhiên cũng là những bài viết, truyện ngắn, bài thơ đậm đặc vừa mang màu xanh của lính vừa mang chất báo chí. Nếu Tiếng vọng vang vọng hình ảnh chiến trường khốc liệt, người mẹ âm thầm hy sinh, gian khổ đời lính trong 13 áng văn (truyện ngắn, bút ký, tùy bút…) và 99 bài thơ thì Ký ức xanh với 53 tác phẩm báo chí chọn lọc lại góp phần phác họa diện mạo chặng đường làm báo của nhà thơ, người lính Trần Thế Tuyển.
Tiếng vọng của một thời không quên
Người lính tên Vượng trong truyện Đồng đội cũ lóng ngóng đến tội khi có dịp về thị xã dự một lớp tập huấn, ghé thăm nhà đồng đội cũ là Phú. Chất lính nơi trận mạc không thể hòa nhập vào cái chỉn chu, sang trọng trong ngôi nhà vợ chồng bạn nơi phố thị. Rồi người lính trong truyện Hằng sống hòa nhập giữa lòng dân, nâng đỡ người dân ngay sau giải phóng…
Hai mươi năm sau lại là một câu chuyện khác, có lẽ vì được Trần Thế Tuyển viết gần đây nhất (1995) nên lối viết khắc khoải hơn, đau nghiến hơn mặc dù vẫn là chuyện người lính. Đó là mối tình giữa chị Ba, một cô gái miền Tây với Tuấn, một chiến sĩ bị thương sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Chị Ba chăm sóc Tuấn, để rồi tình yêu lớn lên trong họ…
Truyện của Trần Thế Tuyển thường chân phương, giản dị, không cấu trúc cầu kỳ, không tiểu xảo trong mô tả nhân vật. Anh luôn lấy chân dung người lính làm tâm điểm. Vòng tròn cuộc sống xoay quanh đó như những ánh đèn nhằm soi sáng cho trọng tâm.
Tôi nhớ, Trần Thế Tuyển làm thơ dày hơn viết văn. Thân nhau từ ngày còn ngồi ghế giảng đường đại học, tôi đọc thơ anh khá đều đặn nhưng đây là lần đọc đầy đủ nhất, những 99 bài! Có bài tôi đã chọn ra cho các nghệ sĩ diễn ngâm để phát trong chương trình Tiếng Thơ của Đài TNND TPHCM. Đó là những Mẹ tôi và hoa hậu, Sau cơn say, Ngực đá, Nơi không tượng đài…
Nhân vật trữ tình trong thơ Trần Thế Tuyển có đa dạng hơn nhân vật trong truyện của anh. Nổi bật hơn cả là hình ảnh người mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó, nhẫn nhục hy sinh: Để sau lưng, hành quân/ Trở về căn nhà nhỏ bé/ Và hơi ấm của mẹ/ Chúng con như trẻ lên ba… (Căn nhà của mẹ)
Cũng như bao nhà thơ khác, Trần Thế Tuyển làm thơ không thể thiếu vắng bóng dáng “em”, nhưng “em” của Trần Thế Tuyển là những cô Tấm hay Ngọc nữ trong veo: Ta đi tìm em/ Trong ca dao và cổ tích/ Cô Tấm trong câu hát/ Ngọc nữ chùa Dâu/ Đôi vai gầy gặp ở đâu/ Những nẻo đường đánh giặc… (Lễ hội sắc màu). Và những miền quê mộc mạc, chân chất nhưng thấm đẫm tình cốt nhục cũng thường lấp lánh trong thơ anh.
Dĩ nhiên không bao giờ Trần Thế Tuyển quên mảng đề tài người lính, đặc biệt là trong thơ. Ngay cả trong không khí Hà Nội rộn ràng đón Đại lễ ngàn năm Thăng Long, anh cũng “thấy” ẩn hiện người bạn liệt sĩ: Chiều tháng Tư xanh cánh đồng/ Bạn tôi ngã xuống mắt không nhắm nghiền/ …../ Thiên thu một nét trăng rằm/ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm, bạn về.
Một bài thơ của Trần Thế Tuyển mà tôi thích là Nếu có lúc nào con bất chợt lãng quên viết năm 1987. Thích có lẽ bởi tính tự sự da diết của một người lính trước bà mẹ Mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn: Xin quỳ trước vong hồn của mẹ/ Để được vỗ về như cái thời nhỏ bé/ Mẹ tha thứ cho con/ Con đã làm được gì với những ước mong của mẹ/ Khi nước nhà thống nhất/ Chúng con đã đi cùng trời cuối đất/ Để vui lòng mẹ trước buổi đi xa…”/ Đó là bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Tổ quốc anh hùng.
Gấp tuyển tập Tiếng vọng dày và nặng của Trần Thế Tuyển lại, đọng lại trong tôi là sự chân tình, nghĩa khí của một cây bút khoác áo lính trên từng chặng đường bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Ký ức xanh nhớ tình đồng đội
Nếu Tiếng vọng mang âm hưởng hoài niệm da diết thì Ký ức xanh cũng sự hoài niệm đó nhưng được hiện thực hóa bằng những bài báo, bút ký, phóng sự, ghi chép trong gần 40 năm làm báo.
Điểm nhấn trong những tác phẩm vẫn là hình ảnh người lính, đó có thể là người lính 15 năm ăn tết xa nhà, là người mẹ đau đớn đón nhận tin những đứa con anh dũng nằm xuống, là những người anh hùng làm nên các chiến công huyền thoại… Bên cạnh đó, tuyển tập Ký ức xanh còn lưu dấu kỷ niệm những ngày làm báo của anh với những bài viết về kỷ niệm, những bài viết, bài thơ đầu tiên được đăng báo, những lần phỏng vấn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gặp gỡ các lãnh đạo quân đội, nhà nước…
Về những tác phẩm trong Ký ức xanh, nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận xét: “Những trang viết thấm đậm nghĩa tình đồng đội, tình yêu quê hương, mảnh đất nơi chiến trường xưa, vùng kháng chiến cũ, bạn bè, đồng chí mà anh gắn bó gần suốt cuộc đời, được thể hiện bằng sự nhiệt huyết từ con tim, bằng những hình ảnh sống động, sâu nặng nghĩa tình”.
Ký ức xanh khép lại với phần dành riêng cho những người đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp nói về nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển. Từ những đam mê sáng tác đến nghiệp làm báo, từ những kỷ niệm chiến trường xưa đến nỗ lực đền ơn đáp nghĩa hôm nay.
Nguồn Báo SGGP Online