Tại Hội thảo, ông Hà Hải Thanh, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT (Bộ TT&TT) cho biết: Mục tiêu của tội phạm công nghệ cao là tấn công vào hạ tầng quốc gia và hạ tầng trọng yếu; tấn công các tập đoàn và công ty công nghệ cao; tấn công vào các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và các doanh nghiệp nhằm trộm cắp các thông tin cá nhân của khách hàng; tấn công trực tiếp vào tài khoản trên mạng và máy tính của các nhân vật quan trọng nhằm khai thác thông tin cá nhân và phá hoại hình ảnh… Tính đến tháng 12-2011, tại Việt Nam đã có 329 website miền .gov.vn đã bị tấn công thay đổi giao diện, đặc biệt cao điểm trong tháng 6/2011.
Hội thảo "Công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm công nghệ cao của
các cơ quan thông tấn, báo chí trong tình hình hiện nay". Ảnh: VA
Ông Hà Hải Thanh cảnh báo, trong năm 2012, các trang thông tin .vn sẽ bị tấn công ngày càng tăng, do sự lan tràn của các công cụ tấn công tự động và sự yếu kém của các tổ chức này. Tình hình lừa đảo trên mạng sẽ tăng do việc lộ lọt các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, diễn đàn và đặc biệt là nhận thức kém của người dùng máy tính về an toàn thông tin (ATTT). Tội phạm công nghệ cao cũng sẽ “nhắm” vào các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và các doanh nghiệp nhằm trộm cắp các thông tin cá nhân của khách hàng…
Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong công tác đảm bảo ATTT, ông Hà Hải Thanh cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng về ATTT; phổ biến rộng rãi các hình thức lừa đảo cho cộng đồng để nâng cao tinh thần cảnh giác; cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTT như: Lỗ hổng bảo mật, kỹ thuật tấn công mới…
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Viết Thế - Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) nhấn mạnh về thực trạng tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực báo chí. Theo đó, các hình thức tấn công đều được chuẩn bị kỹ lưỡng với các thủ đoạn tấn công được thực hiện có tổ chức và lên kế hoạch chi tiết; khả năng ứng phó của các cơ quan báo chí điện tử Việt Nam còn rất hạn chế; ý thức người sử dụng không cao; hạ tầng công nghệ kém, lạc hậu; các website được thiết kế có cùng công nghệ, do vậy, khi một website bị tấn công thì các website cũng bị tấn công bởi lỗi tương tự.
Đặt ra giải pháp đảm bảo ATTT, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế cho rằng: Cần chú trọng nâng cao ý thức người sử dụng cũng như đội ngũ quản trị, vận hành để không bị khai thác trái phép các tài khoản; xây dựng các quy trình, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện; cần có sự đầu tư các trang thiết bị cần thiết để có thể đối phó với các hình thức tấn công cũ và mới…
Đại diện báo Vietnamnet cho rằng, trong quá trình khắc phục sự cố tấn công DDoS của báo Vietnamnet, dù các cơ quan chức năng đều rất nỗ lực điều tra nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Do đó, cần phải có một cơ quan điều phối đủ mạnh. Đại diện báo Vietnamnet đề xuất, theo mô hình lý tưởng mà các nước phát triển áp dụng, một trung tâm ứng cứu như VNCERT sẽ phải có chức năng huy động các đơn vị liên quan khác như cơ quan công an phối hợp tìm máy tính nhiễm virus để lấy mẫu, yêu cầu các đơn vị bảo mật dịch ngược virus trong thời gian nhanh nhất, yêu cầu các ISP tra cứu hệ thống để truy tìm địa chỉ thật của các máy tính cần điều tra hoặc vô hiệu hóa…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Tội phạm công nghệ cao là loại hình tội phạm mới. Thời gian qua, nhiều báo điện tử trong nước liên tục bị đánh sập. Thực tế đó cho thấy, chúng ta vẫn còn rất bị động trong việc đối phó. Do đó, toàn xã hội cần phải hiểu và nhận thức đầy đủ, đúng đắn để chủ động phòng ngừa, phát hiện và có phương án tốt nhất khi đối phó với loại tội phạm mới này. Để làm tốt công việc này, các cơ quan thông tấn, báo chí cần phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa nhằm tuyên truyền tốt hơn về tội phạm công nghệ cao, những thủ đoạn tinh vi, những tác động, ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội.
Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam