Việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển lớn mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ doanh nhân phát triển. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam như hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp. Trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp, công tác cán bộ, kỹ năng lao động còn hạn chế.
Về phương hướng sắp tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 khâu đột phá là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Chính phủ sẽ tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển lớn mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân ngày càng được coi trọng và đã được xác định rõ trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, ở nước ta phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cần có ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, đồng thời tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng...
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị xác đáng của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, Tổng Bí thư cũng nhất trí cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển.
Tổng Bí thư lưu ý, VCCI cần phát huy hơn nữa vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư và hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Báo cáo của lãnh đạo VCCI cho biết, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chuyển biến về chất lượng. Đến tháng 9/2011, cả nước có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại, khoảng 2 triệu doanh nhân.
Thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hòa chung nhịp sống của đất nước, quyết tâm vượt qua thử thách của thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn www.chinhphu.vn