Lenovo TQ đặt mục tiêu tăng trưởng toàn cầu

Nhà sản xuất máy tính Lenovo của Trung Quốc là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mặc dù đã chiếm trên 30% thị trường máy tính Trung Quốc, Lenovo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trên toàn cầu.

Với 1,4 tỷ người tiêu dùng, những thương hiệu sản phẩm Trung Quốc có một thị trường quốc nội rộng lớn. Nhưng tại châu Âu, rất ít thương hiệu này trở nên quen thuộc. Những thương hiệu có giá trị nhất Trung Quốc thường là các công ty quốc doanh lớn trong các lĩnh vực như viễn thông, dịch vụ tài chính và Internet.

Máy tính Lenovo. (Ảnh: Internet)

Bà Doreen Wang, công ty Millward Brown China cho biết: "Giá trị 50 thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc lên đến 325 tỷ USD, chiếm trên 5% GDP của Trung Quốc. Năm nay, con số này đã tăng 16% giá trị, tốc độ tăng trưởng gấp đôi tốc độ GDP". 

Số liệu của Millward Brown cho thấy, 80% người dùng bên ngoài Trung Quốc không thể nhớ nổi tên một thương hiệu Trung Quốc. Điều này tạo ra một thách thức cực lớn cho những công ty Trung Quốc đang muốn xâm nhập thị trường châu Âu. 

"Hiên tại ở châu Âu, người ta chỉ nhớ đến mặt hàng Trung Quốc nhờ giá rẻ, điều này không hoàn toàn đi kèm chất lượng tốt. Với người tiêu dùng châu Âu, giá rẻ chỉ là tiêu chí thứ 8 trong lựa chọn của họ. Sự đáng tin cậy, ổn định và chất lượng quan trọng hơn. Điều này đặt ra thách thức với các công ty Trung Quốc", ông Dan Bobby, Tổng giám đốc hãng điều tra thông tin kinh tế Calling Brands nói. 

Nhà sản xuất máy tính Lenovo của Trung Quốc là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Năm 2005, công ty này đã mua lại bộ phận máy tính của công ty Mỹ IBM. Mặc dù đã chiếm trên 30% thị trường máy tính Trung Quốc, Lenovo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trên toàn cầu. 

"Chúng tôi không đặt mình với tư cách một thương hiệu Trung Quốc mà là một thương hiệu toàn cầu trong công ty, có lẽ ngang ngửa với những cái tên lớn khác như Sony. Khi bạn bước vào trụ sở của Lenovo, bạn sẽ không cảm thấy đang bước vào một công ty Trung Quốc", bà Charlotte West, bộ phận Truyền thông, công ty Lenovo tại Anh khẳng định. 

Theo Calling Brands, các công ty Trung Quốc cần cởi mở hơn nhằm thoát khỏi giới hạn thị trường trong nước. Nhưng không dễ dàng để một công ty thay đổi truyền thống Á Đông và công khai nhiều thông tin với khách hàng.

Nguồn VTV.VN