Khai mạc phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng ngày 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bắt đầu phiên họp thứ 4. Trong buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo đánh giá kết quả của Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba của Quốc hội.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ ba của Quốc hội sẽ diễn ra trong khoảng 24 ngày làm việc, khai mạc vào ngày thứ hai, 21-5-2012 và bế mạc ngày 21-6-2012.

Sáng nay, 13-12, tại Hà Nội đã khai mạc Phiên họp thứ tư Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Kỳ họp dự kiến sẽ thông qua 14 dự án Luật, trong đó có Luật Biển Việt Nam, Luật Quản lý giá, Luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động…; cho ý kiến vào 7 dự án Luật khác. Bên cạnh việc xem xét các báo cáo thường kỳ của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, dự kiến Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về đầu tư công đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn – trả lời chất vấn đối với Chính phủ.

Cho ý kiến về chương trình dự kiến kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, tại nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.

"Quốc hội cần dành thời gian thích đáng để tập trung thảo luận về vấn đề hết sức quan trọng này, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Ông yêu cầu Ủy ban Kinh tế chuẩn bị báo cáo liên quan đến nội dung này để phục vụ cho việc thảo luận của Quốc hội.

Kết hợp đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và chuẩn bị cho kỳ họp tới, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có sự bố trí thời gian và quy định hợp lý hơn để hạn chế sự vắng mặt của quá nhiều vị đại biểu ở một số phiên họp. Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa hoàn toàn tán thành với nhiều nhận định trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nhiều vấn đề đưa ra chất vấn vẫn chưa được làm thực sự rốt ráo. Điển hình là câu chuyện điều hành giá xăng dầu, dù cả hai vị Bộ trưởng Tài chính và Công Thương đều đã trả lời trước Quốc hội, nhưng đến tận thời điểm này, vấn đề vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng thẳng thắn nhận xét: "Một số thành viên Chính phủ trả lời nhiều vấn đề đại biểu chưa ưng lắm, nhưng cũng có một yếu tố khách quan là do nhiều người hỏi liền nhau quá nên có vấn đề chỉ trả lời lớt phớt, tính tranh luận không được bao nhiêu”.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, viêc thảo luận tại tổ và hội trường chưa đạt được như mong muốn, chưa khắc phục được tình trạng phát biểu trùng lắp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, dự án Luật Quản lý thuế là một dự án luật phức tạp, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; không nên làm theo quy trình rút gọn (thông qua tại một kỳ họp) như dự kiến chương trình mà chỉ nên cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba để thông qua tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội…

Nguồn Báo SGGP Online