Ban Quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản” tỉnh tổng kết giai đoạn 2006 -2011

Ngày 13-12, Ban Quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản” tỉnh (dự án) tổ chức hội nghị tổng kết và duy trì tính bền vững của kết quả chương trình Quốc gia 7 hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, giai đoạn 2006-2011.

(NTO) Qua 6 năm triển khai, dự án đã cơ bản đáp ứng được một số nhiệm vụ cơ bản đề ra. Ngoài việc hỗ trợ dịch vụ cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản và toàn diện ở Bệnh viện tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện, dự án còn thành lập 32 góc sơ sinh tại 32 trạm y tế trọng điểm của huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc; 3 đơn nguyên sơ sinh và chăm sóc sơ sinh toàn diện tại Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn và Bệnh viện Ninh Phước. Cung cấp và chuyển giao nhiều trang thiết bị y tế phục vụ CSSKSS, cấp cứu sản khoa, chăm sóc sơ sinh, mổ đẻ,… cho các cơ sở y tế với kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở Nội vụ trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, để hỗ trợ chuyên môn, thiết bị về y tế cho tuyến cơ sở, dự án đã tổ chức đào tạo cho 100% cán bộ y tế làm công tác CSSKSS, cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh của các đơn vị y tế trong tỉnh; hỗ trợ kinh phí đào tạo 75 cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước. Phối hợp Hội LHPN tỉnh thành lập 80 nhóm lồng ghép DS/SKSS tại 15 xã thuộc 3 huyện Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Bắc; phối hợp Ủy ban MTTQVN tỉnh triển khai cho 61 thôn, tại 8 xã huyện Ninh Sơn lồng ghép DS/SKSS với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Thành lập 60 nhóm lồng ghép DS/SKSS và vay vốn tín dụng tiết kiệm, khuyến nông của Hội Nông dân 14 xã ở 2 huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc. Thành lập 18 nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng tại 18 thôn của 5 xã thuộc huyện Bác Ái. Thực hiện ký kết hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị, đoàn thể tham gia dự án như: Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh – Truyền hình, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên... trong việc đăng tải thông tin và tuyên truyền nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS/sức khỏe tình dục vị thành niên đến cộng đồng và trường học... Nhờ đó, trung bình mỗi năm đã góp phần làm giảm tai biến sản khoa khoảng 0,03%, tai biến sản khoa năm 2010 giảm 34% so với năm 2006. Tăng tỷ lệ phụ nữ biết 3 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai từ 4,3% lên 8,6% và sau sinh từ 2,4% lên 5,2%. 100% trạm y tế đã có nữ hộ sinh, 65/65 trạm y tế, 6/7 bệnh viện tuyến huyện thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ cấp cứu sản khoa, tuân thủ các bước quy định về xử lý tai biến sản khoa theo chuẩn quốc gia về CSSKSS.

Tiếp nối những thành công của các hoạt động trong chu kỳ 7, giai đoạn 2011-2015 của chu kỳ 8, Ban quản lý Dự án đề ra kế hoạch với mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng hệ thống DS-KHHGĐ/CSSKSS để duy trì mức sinh hợp lý, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ suất sinh còn dưới 15%o; ổn định tỷ lệ tăng dân số tự nhiên không quá 1,15%; trên 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi xuống dưới 14% và dưới 5 tuổi xuống dưới 19%; 70% điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS tại tuyến huyện, thành phố có dịch vụ thân thiện với vị thành niên và thanh niên; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế đạt từ 95% trở lên; trên 90% phụ nữ mang thai được khám định kỳ 3 lần; tỷ lệ tai biến sản khoa trên tổng số trẻ đẻ ra sống giảm 0,05%/năm...

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 23 cá nhân có thành tích trong thực hiện dự án, giai đoạn 2006-2011.