Việt Nam hiện đứng thứ ba số lượng du học sinh tại Đức với hơn 4.000 người, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Để học ĐH tại Đức, ứng viên phải thi đỗ vào một trường ĐH hệ chính quy tại Việt Nam được Đức công nhận theo cùng nhóm ngành với ngành dự định học tại Đức.
Sinh viên tìm hiểu thông tin của các trường ĐH bang Baden-Wurttemberg
tại triển lãm du học Đức
Phải đậu ĐH tại Việt Nam
Ông Trần Thế Bình, Trưởng Trung tâm thông tin Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại TPHCM, cho biết: “Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia, ứng viên phải có tổng điểm tối thiểu là 15, không có môn dưới 4 điểm và phải có giấy báo nhập học ngành đã đăng ký tại một trường của Đức. Khi đó ứng viên được chuyển vào dự bị ĐH trong cùng nhóm ngành (vừa học tiếng Đức để lấy bằng, vừa học kiến thức chuyên ngành). Nếu đã học hơn hai năm ở Việt Nam, ứng viên sẽ được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một trường ĐH cùng nhóm ngành tại Đức. Nếu đang học năm thứ ba trở đi, ứng viên nên tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam trước rồi học tiếp cao học tại Đức, để không mất thời gian học ĐH từ đầu”.
Ứng viên mang các giấy tờ cần thiết (giấy báo trúng tuyển ĐH, bằng tốt nghiệp THPT, học bạ THPT…) sao y và dịch sang tiếng Đức hoặc tiếng Anh (nên làm dư tối thiểu hai bộ) và nộp tại bộ phận kiểm tra học vấn (APS). Sau khi xét hồ sơ và được APS phỏng vấn, ứng viên được nhận chứng chỉ APS. Chứng chỉ này là điều kiện để xét hồ sơ xin cấp thị thực đi học tiếng, học dự bị ĐH hoặc học ĐH tại Đức.
Ứng viên phải gửi ngay hồ sơ đến trường ở Đức hoặc đến uni-assist (Trung tâm Dịch vụ cho các đơn đăng ký ĐH quốc tế, được thành lập bởi Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH và DAAD). Hiện có hơn 100 trường ĐH Đức chỉ nhận đơn đăng ký ĐH của du học sinh quốc tế thông qua uni-assist. Tiếp đó, ứng viên mở một tài khoản phong tỏa theo đúng yêu cầu tại Deutsche Bank AG Chi nhánh TPHCM. Sau khi nhận được giấy gọi nhập học, ứng viên đến Đại sứ quán Đức hoặc Tổng Lãnh sự quán Đức tại TPHCM để nộp đơn xin visa.
Hai loại cơ sở đào tạo ĐH khác nhau
Theo ông Bình, các ngành thế mạnh của Đức là vật lý, quang học, hóa nhựa, ô tô, môi trường, hạt nhân, công nghệ thực phẩm… Du học sinh nên học bằng tiếng Đức vì Đức là thành viên lớn nhất và ngôn ngữ nói nhiều thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), nhiều lợi thế trên thị trường lao động.
Đức có các trường ĐH tổng hợp (Uni), tổng hợp kỹ thuật (TU) và khoa học ứng dụng (FH) đều “đồng giá trị” nhưng “khác hình thức”. Uni, TU được đào tạo tất cả các ngành trong 4-6 năm; nặng về lý thuyết, tự chọn các môn trọng tâm, được làm tiến sĩ. Còn FH chủ yếu các ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế quản trị, xã hội, tạo mẫu trong bốn năm; đào tạo thiết thực hơn, xen kẽ các khóa thực tập nhưng không được làm tiến sĩ. Thêm vào đó, khi học dự bị ĐH của các trường FH thì sau khi hoàn thành chỉ được học trường FH. Trong khi dự bị ĐH các trường Uni, TU sau khi hoàn thành được nhập học tất cả các trường.
Học phí tượng trưng
Từ tháng 4-2012, các ngành học tại hơn 70 trường ĐH ở bang Baden-Wurttemberg sẽ không thu học phí. Trường ĐH Tổng hợp Halle-Wittenberg đào tạo kinh tế, khoa học tự nhiên, y học, ngôn ngữ học, khoa học xã hội, luật học chỉ thu 63 EUR/học kỳ (hơn 1,7 triệu đồng). Tương tự, với các ngành này, Trường ĐH Tổng hợp Freiburg thu 105 EUR/học kỳ (hơn 2,9 triệu đồng). Còn với giá chỉ 75 EUR/học kỳ (hơn 2,1 triệu đồng), Trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Freiberg là nơi lý tưởng để học ngành khoa học tự nhiên ứng dụng, toán, tin học, kinh tế, khoa học kỹ thuật, khoa học Trái đất.
Chuyên về khoa học xã hội, thiết kế thời trang, khoa học kỹ thuật, Trường ĐH Khoa học ứng dụng Koln lớn nhất nước Đức chỉ thu 220 EUR/học kỳ (hơn 6,1 triệu đồng). Trường ĐH kỹ thuật hàng đầu của Đức với các ngành khoa học kỹ thuật, tự nhiên và nhân văn là ĐH Tổng hợp kỹ thuật Dresden có học phí 218 EUR/học kỳ (hơn 6,1 triệu đồng). Còn Trường ĐH Khoa học ứng dụng Gelsenkirchen tự xem mình như là trường ĐH địa phương nhưng đi đầu trong đào tạo kinh tế, khoa học kỹ thuật chỉ thu 150 EUR/học kỳ (hơn 4,2 triệu đồng).
Lưu ý bảo hiểm, làm thêm, chi phí sinh hoạt
Theo DAAD, khi đến Đức, du học sinh nhớ mua bảo hiểm y tế và phải ra Sở Ngoại kiều địa phương xin cấp một visa cư trú. Chi phí sinh hoạt trung bình một tháng cho sinh viên tại Đức là 740 EUR (hơn 21 triệu đồng), trong đó cao nhất là thuê nhà khoảng 266 EUR (hơn 7,5 triệu đồng), thực phẩm 150 EUR (4,2 triệu đồng), dụng cụ học tập 35 EUR (980.000 đồng)… Nếu không có thân nhân hay bạn bè ở Đức, du học sinh nên nộp đơn xin vào ký túc xá.
Du học sinh muốn lao động hay làm thêm kiếm tiền phải được Sở Lao động địa phương cho phép và Sở Ngoại kiều đồng ý (giấy phép được cấp trước khi bắt đầu lao động). Nếu là sinh viên chính quy tại một trường ĐH thì được miễn giấy phép lao động khi làm việc phụ trong 90 ngày hay 180 buổi/năm (buổi được tính 4 giờ/ngày), không phân biệt ngày thường, lễ, nghỉ hè… Làm việc hơn 20 tiếng/tuần thì tuần đó được tính bảy ngày làm việc. Sinh viên dự bị ĐH chỉ được làm trong kỳ nghỉ hè và đông, nhất thiết phải có giấy phép theo quy định. Sinh viên theo học khóa tiếng Đức không được phép làm thêm. Tiền công dao động 7-20 EUR/giờ (196.000-560.000 đồng).
Hiện DAAD tại Việt Nam không có dịch vụ du học và không hợp tác với bất kỳ công ty dịch vụ tư vấn du học nào. Do đó, thông tin du học Đức chỉ có tại Trung tâm thông tin DAAD TP.HCM, 18 đường số 1, cư xá Đô Thành, quận 3 (tư vấn trực tiếp từ 9 giờ đến 12 giờ thứ Hai đến thứ Sáu) và Văn phòng đại diện DAAD Hà Nội, Trung tâm Việt-Đức, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, 1 Đại Cồ Việt (tư vấn sáng thứ Ba, thứ Năm lúc 9 giờ đến 12 giờ và chiều thứ Tư, thứ Sáu lúc 14 giờ đến 16 giờ).
Nguồn www.nld.com.vn