Một năm vẫn không xin được việc
Kim Duyên đang làm công nhân may giày da xuất khẩu ở khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở tỉnh Bình Dương. Ít ai biết, cô từng tốt nghiệp loại giỏi, khoa Ngữ văn, trường ĐH Khoa học (ĐH Huế). Tốt nghiệp đại học, Duyên trở về quê ở Quảng Bình. Hơn một năm chờ đợi để đi dạy hợp đồng cho một trường cấp 2, nhưng rốt cuộc, Duyên vẫn không được đứng trên bục giảng. Chán nản vì đã tốt nghiệp rồi mà vẫn phải để gia đình chu cấp, Duyên vào Bình Dương để làm công nhân. Duyên tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp, mình cũng được gia đình hỗ trợ kinh phí để đi xin việc trong suốt 1 năm trời. Mình cũng không nhớ là mình đã nộp bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc.
Ảnh minh họa.
Cứ thấy nơi nào thông báo tuyển dụng là mình đem hồ sơ tới nộp ngay. Vào Bình Dương, mình còn đi rải hồ sơ xin việc ở TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Nai… nhưng cũng không có kết quả. Cơ hội để có được một việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học với mình vẫn còn rất xa vời”.
Kể về công việc hiện tại, Duyên cho biết: “Được đào tạo bài bản, có bằng cử nhân đại học mà phải làm công việc của lao động phổ thông thì cũng xấu hổ. Nhưng không lẽ, mình cứ đi rải hồ sơ rồi ngồi ở nhà chờ gọi phỏng vấn và để gia đình gởi tiền vào nuôi? Sau mỗi lần phỏng vấn xin việc, mình lại rơi vào khủng hoảng và mang cảm giác của kẻ thất bại”. Nửa năm về trước là khoảng thời gian mà Kim Duyên chịu nhiều áp lực. Rồi áp lực từ việc kiếm tiền để trang trải chi phí ăn uống, thuê phòng và gia đình đã khiến Duyên quyết định đi làm. Hiện tại, Duyên đang làm ở bộ phận kiểm hàng cho một công ty tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, mỗi thán Duyên có được 3,5 triệu đồng.
Làm trái ngành cũng chấp nhận
Nguyễn Thị Thu Hường tốt nghiệp loại khá, ngành Văn hóa học và Nguyễn Thị Thịnh, ngành Xã hội học ở trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cũng đang làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Thu Hường chia sẻ: “Khi chưa thi đại học, tụi mình cũng không có nhiều thông tin gì về ngành học và tương lai nghề nghiệp sau khi ra trường. Đến khi vào trường mình cũng cứ tin lời thầy cô: Học ngành này ra trường, các em sẽ có rất nhiều cơ hội xin việc. Các em có thể làm hướng dẫn viên du lịch, làm trong các bảo tàng, cán bộ quản lý văn hóa xã hội, giáo viên, phóng viên, biên tập… Nhưng khi tốt nghiệp rồi, vác hồ sơ đi xin việc, mình mới thấy những lời nói của thầy cô rất khó thành hiện thực. Bởi những kiến thức mình đã được học trong nhà trường quá xa rời với thực tế. Đường cùng, mình đành phải chấp nhận đi làm công nhân để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Có ai muốn bỏ tiền của, công sức ra học tập 4 năm rồi cuối cùng phải đi làm công việc phổ thông, không cần qua đào tạo đâu!”.
Còn Hằng Phương, cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cho biết, lúc mới tốt nghiệp, Phương cũng đem hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Cứ nghĩ, mình học Ngữ văn sẽ có đủ khả năng ngôn ngữ để làm công việc của một biên tập viên. Nhưng khi được một tờ báo điện tử gọi phỏng vấn thì Phương đã bị sốc.
Nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu và hỏi Phương có làm được công việc đó hay không. Hằng Phương nhớ lại: “Chúng tôi không cần biết bạn tốt nghiệp loại gì mà chỉ quan tâm bạn có làm được việc, đáp ứng được những yêu cầu công việc của tòa soạn hay không? Vị trí chúng tôi tuyển bạn vào làm việc, ảnh hưởng đến cả tòa soạn. Nếu làm được, hãy chứng tỏ năng lực của bạn cho chúng tôi thấy, sau một tháng thử việc sẽ quyết định bạn có được ký hợp đồng hay không”. Mới chân ướt chân ráo ra trường, chưa hề có kinh nghiệm thực tế, Phương thực sự choáng trước thử thách của nhà tuyển dụng.
Hằng Phương cho biết thêm, có một thực tế là các bạn học lý thuyết rất nhiều. Trong khi đó, để áp dụng những kiến thức lý thuyết vào công việc sẽ làm không hề đơn giản. Một, hai tháng thực tập chẳng thấm tháp vào đâu so với 4 năm học lý thuyết trên giảng đường. Một điều không kém phần quan trọng trong chương trình đào tạo hiện nay là sinh viên cứ phải học theo những gì nhà trường cung cấp, không quan tâm tới nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Nhà trường cứ đào tạo theo lối mòn, lặp đi lặp lại những kiến thức cũ không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thực tế, có nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành KHXH&NV đành phải làm những công việc dưới chuẩn. Chẳng hạn như bạn Nguyễn Thị Kim Hạnh, tốt nghiệp ngành Thư viện Thông tin, sau nhiều tháng lăn lộn tìm việc làm nhưng không thành công đã nộp hồ sơ vào công ty Tài chính tín dụng Prudential. Dù điều kiện tuyển dụng của công ty chỉ là tốt nghiệp THPT.
Sau 3 ngày học nghiệp vụ, Hạnh trở thành nhân viên tìm kiếm khách hàng để vay vốn của công ty Prudential. Hai tháng đầu tiên, Hạnh được hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng. Còn những tháng sau, mỗi hợp đồng mà khách hàng giải ngân thành công, Hạnh sẽ có được 500.000 đồng. Dù gọi điện thoại khan cả cổ, thường xuyên đi phát tờ rơi để tìm kiếm khách hàng, nhưng chưa tháng nào thu nhập của Hạnh đạt quá 3 triệu đồng.
Tương tự, Trần Văn Thiện, tốt nghiệp loại khá ngành Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cũng xin vào công ty Truyền thông Kim Cương để làm nhân viên trực tổng đài cho các mạng viễn thông. Điều kiện tuyển dụng của công ty chỉ là tốt nghiệp THPT, hiểu biết về vi tính. Sau 1 tháng học nghiệp vụ với tiền thế chân 1,5 triệu đồng, Thiện trở thành nhân viên trực tổng đài của nhà mạng Viettel. Cộng các khoản phụ cấp, cơm trưa và lương nhưng thu nhập của Thiện không quá 2,5 triệu đồng/tháng.
Khó làm đúng chuyên ngành
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam vào sáng ngày 22/11/2011 về chuyện cử nhân phải đi làm công nhân, TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều có phát phiếu để điều tra sinh viên ra trường có việc làm hay không. Kết quả thu được là khoảng 50% sinh viên ra trường có việc làm ngay trong những năm đầu. Tuy có việc làm nhưng đòi hỏi sinh viên đều làm đúng chuyên ngành thì rất khó.
Trường đại học chỉ đào tạo cho các bạn kiến thức nền tảng, để làm được việc thì các bạn phải tự học thêm nhiều thứ khác”. Về chuyện sinh viên trong trường tốt nghiệp không xin được việc làm mà phải đi làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, TS Phước cho rằng, trong một số chừng mực nào đó là có. Bởi trong một số trường hợp phản hồi về, nhà trường chỉ nhận được khoảng 50% phản hồi từ sinh viên.
Khi Sinh Viên Việt Nam đặt vấn đề: “Do chương trình đào tạo của trường quá khô khan, thiên về lý thuyết nên khi sinh viên ra trường không áp dụng được nên phải đi làm công nhân?”, TS Trần Hữu Phước cho rằng: “Điều đó, nhà trường cũng đã nhận thấy. Trường ĐH ĐH KHXH&NV là trường đại học đào tạo khoa học cơ bản nên thiên về lý thuyết. Tuy vậy, trong những năm gần đây các khoa, ngành đã nhận ra điểm yếu và đang làm mềm hóa chương trình đào tạo.
Chúng tôi đang thực hiện công việc rà soát để thay đổi các môn hàn lâm bằng các tiết học kỹ năng. Song song đó, cứ 2 năm một lần, nhà trường tổ chức lấy ý kiến của các nhà tuyển dụng để xem sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay không. Theo đó, năm lẻ là năm lấy ý kiến còn năm chẵn là năm thay đổi chương trình đào tạo”.
Theo Giám đốc của một Trung tâm giới thiệu việc làm tại quận 1, TPHCM, việc đào tạo khối ngành khoa học xã hội của các trường đại học hiện nay khá xa rời thực tế. Kiến thức thường mang nặng tính hàn lâm. Trong khi đó, những kỹ năng cần thiết cho sinh viên sau khi tốt nghiệp như kỹ thuật soạn thảo văn bản, ngoại ngữ, tin học… lại ít được chú trọng. Vị Giám đốc này cho rằng: “Không phải nhu cầu tuyển dụng của khối ngành khoa học xã hội ít mà là do cung và cầu chưa gặp nhau. Doanh nghiệp thì thiếu cái mình cần còn nhà trường thì đào tạo ra cái mình có mà không chú ý đến nhu cầu của xã hội”.
Nguồn www.nld.com.vn