(NTO) Năm 1996, chị đảm nhận nhiệm vụ cộng tác viên dân số. Chị kể rằng: “Lúc bấy giờ, đời sống bà con hết sức khó khăn, nhận thức của bà con trong thôn về công tác dân số-KHHGĐ rất hạn chế. Nhà nào cũng sinh nhiều con. Việc vận động các cặp vợ chồng sinh đẻ ít, phụ nữ mang thai đến trạm y tế thăm khám, hạn chế sinh con ở nương rẫy... không phải dễ”. Từ khi được các cấp quan tâm đầu tư phát triển cho đồng bào Raglai vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân xã Phước Kháng ngày một khởi sắc, kinh tế dần ổn định, hầu hết hộ nào cũng có phương tiện nghe nhìn. Chính vì thế, việc truyền thông dân số/KHHGĐ của cộng tác viên cũng thuận lợi hơn.
Chị Khánh (bên trái) nói chuyện về SKSS-KHHGĐ với phụ nữ trong thôn.
Thôn Đá Liệt có 102 hộ với hơn 490 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn khá rộng. Để người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chị thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ, nói chuyện dân số, tư vấn các biện pháp KHHGĐ. Trong mỗi đợt thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở địa phương, chị đều đến từng nhà vận động, nhắc nhở chị em tham gia. Với nhiệm vụ là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn, chị tổ chức lồng ghép nội dung Dân số/KHHGĐ, phổ biến đến hội viên để họ tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình mình.
Để nâng cao kiến thức về SKSS/KHHGĐ, chị chịu khó đọc tài liệu, học hỏi kiến thức từ cán bộ trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản, từ đó, cụ thể bằng cách hiểu của mình rồi truyền đạt cặn kẽ cho chị em phụ nữ. Nhờ đó, ở thôn Đá Liệt, 100% phụ nữ đều sinh con tại trạm y tế hoặc có sự can thiệp của cô đỡ thôn bản; sản phụ được hướng dẫn cách làm mẹ an toàn; các cặp vợ chồng ý thức hơn trong thực hiện KHHGĐ để hạn chế sinh, chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái.
Anh Chamaléa Vền, Phó ban Dân số/KHHGĐ xã Phước Kháng cho biết: “Với thời gian làm cộng tác viên dân số lâu năm, chị Chamaléa Thị Khánh đã tạo uy tín trong bà con nhân dân. Nhờ đó, các chính sách dân số của Đảng và Nhà nước được chuyển tải đến người dân nhanh chóng và có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm.
Bảo An