(NTO) Chân lý “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” thật súc tích. Tuổi trẻ đẹp giữa cuộc đời phải là tuổi trẻ noi theo gương Bác, biết sống vì mọi người. Đó là cái không thể thiếu, của nhân cách con người mới và nó hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa cá nhân chỉ biết có mình. Sống tình nghĩa và quan tâm tới mọi người ta sẽ không bao giờ thất vọng những khi khó khăn, cũng sẽ không bao giờ đau khổ về nỗi cô đơn, tẻ nhạt.
Sống có nghĩa giữa cuộc đời là sống biết làm chủ bản thân, bởi rằng có con người mới thành xã hội. Người biết làm chủ bản thân là người hiểu đúng được mình và không bao giờ lừa dối mình. Đánh giá đúng một sự vật đã khó, nhưng đánh giá đúng mình lại càng khó. Cuộc sống có chỗ đứng đúng cho mỗi khả năng, mỗi tấm lòng. Ví như một cây có thể góp phần thành một cánh rừng nhưng không thể thay cho các cây khác. Chính vì vậy mà tuổi trẻ đã có thừa nhiệt huyết nhưng cần phải làm chủ bản thân, thấu suốt đạo lý sống nghĩa tình mới tránh được những lầm lỡ, những sai sót do cảm tính. Bởi vì những lầm lỡ sai sót đó có thể hủy hoại những cái gì đẹp nhất trong thời gian vàng ngọc của tuổi thanh xuân.
Mặt khác, tôn trọng tập thể, giữ gìn kỷ cương là một vẻ đẹp của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, biết vì lợi ích chung, gắn mình trong nếp sống văn minh khoa học mà xã hội đặt ra. Nếu không tôn trọng quy định của tổ chức, kỷ cương của xã hội tức là tự tách mình ra khỏi tổ chức, xã hội. Như Lê-nin đã nói: “Sống trong xã hội không thể độc lập với xã hội được”.
Và dù vô tình hay hữu ý, người làm rối kỷ cương trước hết là người không biết trọng danh dự chính mình. Người không giữ nếp sống có văn hóa là người tự hạ thấp mình, tự sĩ nhục mình.
Tuổi trẻ sống có tình thương, kỷ cương và trách nhiệm không thể nào chấp nhận tính vị kỷ, sĩ diện cá nhân, coi cái “tôi” là trên hết. Và thật hỗ thẹn! Trong giao tiếp cộng đồng, ta còn thấy nhiều trường hợp đáng phải suy nghĩ khi những từ được coi là thiêng liêng như “Mẹ, Cha” được lôi ra lăng nhục giữa chốn đông người mà không hề ngượng ngập.
Mỗi cá nhân trong xã hội chẳng khác nào là một tế bào trong cơ thể sống. Do đó, cá nhân phải nằm trong tập thể, vì tập thể, phục tùng tập thể, tự tách mình ra khỏi tập thể, đi ngược lại lợi ích chung, chẳng khác nào là cái ung nhọt làm nhức nhối cả cơ thể sống xã hội.
Chính vì lẽ đó tuổi trẻ cần rèn luyện cho mình một nếp sống có kỷ luật, trật tự để xây dựng và giữ gìn kỷ cương xã hội và luôn luôn tôn trọng Hiến pháp, pháp luật Nhà nước. Kỷ luật ở đây là kỷ luật tự giác nó được xây dựng, rèn giũa trên tinh thần tự giác tự nguyện của tuổi trẻ, biết yêu tập thể, gắn bó một lòng vì tập thể. Người có tinh thần tự giác sẽ thấy mọi nền nếp quy định không hề gò bó mình bởi lẽ họ chấp nhận kỷ luật vì lương tâm, vì sự nghiệp chung của xã hội, mà chính họ là người làm chủ - làm chủ bản thân – làm chủ tập thể - làm chủ xã hội đang sống. Ý thức làm chủ bản thân tạo cơ sở vững chắc cho một nền nếp kỷ luật tự giác, nghiêm minh, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Nhờ đó mà họ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuổi trẻ còn phải biết hòa mình vào các phong trào, hành động cách mạng của thế hệ. Mỗi người phải biết góp phần thúc đẩy cho phong trào sâu rộng và có hiệu quả thiết thực, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của đất nước trong mỗi thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua các phong trào ấy mà nâng cao trí tuệ và rèn luyện tài năng cống hiến nhiều hơn, hiệu quả hơn cho đất nước, cho dân tộc, cho thời đại hôm nay và mai sau.
Nói tóm lại, nếp sống văn minh, nếp sống có văn hóa, vì tập thể hay làm chủ tập thể nó đều hàm chứa các nội dung trên. Bởi nó là biểu hiện nhân cách, phẩm chất con người mới XHCN, mà tuổi trẻ chúng ta cần không ngừng rèn luyện để vươn tới.
Trần Đức Lực