Bác Ái: Phát huy tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế

Bác Ái được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng du lịch. Với lợi thế của một huyện miền núi có vườn Quốc gia Phước Bình và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như Thác Chapơr ở Phước Tân; suối Lạnh, hồ Sông Sắt ở Phước Đại… rất phù hợp phát triển du lịch sinh thái.

(NTO) Không những thế, Bác Ái còn là chiến khu xưa, hiện hữu những di tích lịch sử lẫy lừng như Bẫy đá Pinăng Tắc ở Phước Bình, chiến thắng đồn Tà Lú ở Phước Đại, rồi hang 403, hang Huyện ủy, Trạm xá Tiền phương… trên dãy núi Tà Năng là điều kiện tốt hình thành du lịch hướng về cội nguồn. Đó là chưa kể đến địa bàn là nơi cư trú lâu đời của đồng dân tộc Raglai, có các lễ hội truyền thống đặc sắc phù hợp với loại hình du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc.

Thác Chapơr, điểm đến du lịch sinh thái lý tưởng ở huyện Bác Ái.

Từ lợi thế đó, địa phương xác định đầu tư phát triển du lịch sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Đó là lý do để địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Bác Ái trở thành “điểm đến hấp dẫn” kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh hình thành tour “từ biển lên ngàn”. Trên thực tế, thời gian qua UBND huyện đã có những động thái tích cực nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương mình đến với bạn bè trong cả nước như: Tổ chức các ngày hội văn hóa, tổ chức cho thanh niên, học sinh hành trình về cội nguồn trong các ngày lễ. Đặc biệt, ngày

10-7-2010, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sự kiện du lịch: “Thác Chapơr - Điểm đến du lịch sinh thái” thu hút hơn 1.000 du khách trong và ngoài tỉnh.

Thác Chapơr là một khám phá mới của Bác Ái, nằm trong vườn Quốc gia Phước Bình có vẻ đẹp hùng vĩ với cảnh sắc hài hòa vừa có suối vừa có thác, phù hợp với du khách thích cảm giác mạo hiểm, leo núi bằng xe máy, ăn cơm lam với đồng bào dân tộc Raglai. Tháng 6-2011, nhân dịp Liên hoan làng biển Việt Nam, Resort Sài Gòn – Ninh Chữ mở tuor mới “Nếp nhà Ninh Chữ và thám hiểm Thác Chapơr”. Du khách đi tuor này rất hài lòng và có chung nhận xét là độc đáo và thú vị. Đây được xem là tín hiệu vui của du lịch Bác Ái. Nhưng chỉ có vậy cũng chưa đủ, hiện nay Bác Ái vẫn chưa kết nối được các điểm du lịch trên địa bàn lại với nhau, thế nên khách đến Thác Chapơr rồi về ngay trong ngày. Làm du lịch như vậy thì chưa khai thác được “túi tiền” của du khách.

Bác Ái còn có lợi thế du lịch “homestay” nhưng vẫn còn bỏ ngõ. Nếu phát triển loại hình du lịch này, khách lên Bác Ái sẽ ở trong nhà sàn cùng làm rẫy, vui chơi đánh mã la, hát sử thi, thổi kèn bầu và tham gia các lễ hội Bỏ mả, Ăn đầu lúa… với bà con đồng bào dân tộc Raglai. Theo đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Yếu tố văn hóa không trực tiếp đưa đến lợi nhuận ngay tức thì, nhưng chính văn hóa là sự hấp dẫn khách đến và níu kéo khách đến nhiều lần”. Vì lẽ đó mà cuối tháng 11 vừa rồi, Bác Ái đã mạnh dạn đăng ký thành lập Đoàn Nghệ thuật quần chúng Raglai, gồm 27 thành viên lên đường ra Hà Nội tham gia các hoạt động văn hóa ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tại đây đoàn đã trình diễn các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, tái dựng lễ hội Ăn đầu lúa, đánh múa mã la, thổi kèn bầu, hát đối đáp... phục vụ công chúng. Đồng chí Trần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: “Cái được của lần tham dự này là quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Raglai ở tỉnh ta đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho phát triển du lịch”.

Rõ ràng Bác Ái đang sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là dự án du lịch sinh thái ở Thác Chapơr. Hy vọng với chính sách thông thoáng, sau Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Bác Ái.