Giá trị hạt gạo Việt Nam từ bài toán lúa giống

Vì sao gạo Việt Nam luôn có giá bán thấp hơn so với gạo Thái Lan? Vì sao gạo Việt Nam luôn gặp khó trong việc tiếp cận với những thị trường khó tính? Giá trị thương phẩm trên diện tích sản xuất của nông dân Việt Nam luôn thấp trong khi điều kiện khí hậu, độ màu mỡ, kỹ thuật luôn được quan tâm đúng mức? Tất cả các câu hỏi trên đều có chung một đáp án: Để hạt gạo Việt Nam tăng sức cạnh tranh, vấn đề tiên quyết hiện nay là phải cung cấp cho nông dân nguồn giống chất lượng cao!

Nhập nhằng chứng nhận giống lúa

Trong 4 yếu tố sản xuất được dân gian đúc kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì yếu tố xếp vị trí thứ tư giờ đã trở nên quan trọng nhất khi hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương đầu tư bài bản; trình độ khoa học, kỹ thuật lẫn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phát triển mạnh mẽ. Độ chuyên cần của người nông dân giờ được hỗ trợ đắc lực từ việc cơ giới hóa lẫn các biện pháp sản xuất hiện đại. Do đó, yếu tố giống đã và đang trở nên quan trọng nhất trong sản xuất lúa ở nước ta. Thời gian qua, vấn đề nghiên cứu, lai tạo giống lúa luôn được các địa phương, các viện, trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất. Thế nhưng, vấn đề là mỗi nơi làm mỗi kiểu, giống xác nhận mỗi nơi mỗi tiêu chí và việc ứng dụng trong sản xuất thì từng vùng, từng địa phương cũng triển khai theo kiểu “da beo”.

Hệ thống sản xuất lúa giống khu vực ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, chỉ cung ứng từ 30- 35% giống xác nhận (từ 120 - 140 ngàn tấn/năm), trong đó hệ thống cung ứng chính quy từ các viện, trường chỉ chiếm 10%, còn lại là từ hệ thống không chính quy. Tức từ các hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ (CLB), cá nhân sản xuất, nhân giống với khoảng 36.000 điểm. Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lo ngại: Việc kiểm định và chứng nhận về giống lúa đang gặp vấn đề, cần được điều chỉnh. Toàn vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh chỉ có 4 tổ chức chứng nhận giống cây trồng là Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ (gọi tắt là Trung tâm giống) thuộc Cục Trồng trọt, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Trung tâm giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang. Và trong hàng ngàn tổ chức, cá nhân sản xuất giống lúa chỉ có khoảng 26 đơn vị chứng nhận giống phù hợp tiêu chuẩn của Trung tâm giống. Các chứng nhận cũng chỉ chứng nhận là sản phẩm của công ty hoặc cá nhân, trong khi đó hàng ngàn đơn vị, tổ chức cá nhân cứ lai tạo giống, bán lúa giống với nhãn mác tự phong giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, hạt lai.

Một vấn đề khác liên quan đến việc chứng nhận giống lúa đạt chuẩn, GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng hạt giống lúa đã có, việc phân cấp về các cấp độ giống cũng được phân định rõ ràng như: giống tác giả hay giống gốc, giống nguyên chủng hay giống xác nhận. Thế nhưng, trong thực tế sản xuất giống vẫn còn tình trạng chưa gọi đúng phẩm chất hạt giống theo tiêu chuẩn. Vì vậy, không nên “nâng cấp” khi chưa đạt đủ tiêu chuẩn. Nhiều năm qua đã xảy hiện tượng “vênh” trong công bố số liệu về phẩm chất hạt giống. Nhiều nơi công bố tỷ lệ đạt giống xác nhận trong sản xuất tới 20%, 30% đến 40%. Nhiều cơ quan chức năng và các chuyên gia cho biết, giống xác nhận đúng tiêu chuẩn được dùng trong sản xuất lúa hiện thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn này. Đây chính là bất cập khiến chất lượng đi cùng giá trị hạt gạo thương phẩm cũng thấp theo.

Khuyến cáo, ứng dụng đại trà - bất cập

Trong khi chứng nhận chất lượng giống lúa xác nhận chưa có lời giải thì xuất hiện bất cập trong khuyến cáo sử dụng giống trong sản xuất lúa và ứng dụng diện tích sản xuất đại trà.

Giống lúa hiệu quả cao trước hết phải làm sao để nông dân có thu nhập cao từ sản xuất, bán được lúa dễ dàng, sản lượng lúa/diện tích/nông hộ gia tăng theo từng thời vụ. Đơn cử cách làm thiếu khoa học trong khuyến cáo sản xuất lúa tại khu vực ĐBSCL là có một thời gian, chúng ta khuyến cáo nông dân trồng lúa thơm đặc sản tựa như gạo thơm Thái Lan. Thế nhưng, trồng loại lúa này năng suất thấp hơn nhiều so với loại giống lúa thường, nhiễm sâu bệnh cao, giá thành sản xuất tăng, ô nhiễm môi trường... trong khi giá thu mua ít tăng và kén chọn người mua. Do đó, nông dân trồng theo khuyến cáo trong phạm vi hạn chế, không đạt ý muốn. Mặt khác, trong sản xuất lúa, chúng ta không thể khuyến cáo giống, thời vụ, kỹ thuật lúa chung đúng trong mọi trường hợp. Bởi lẽ, giống lúa cũng như các đợt gieo sạ còn phụ thuộc vào nguồn nước từng vùng cụ thể, thông tin về các đợt rầy di trú, thổ nhưỡng đất, khí hậu... luôn biến đổi. Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng là kênh thông tin ứng dụng sản xuất lúa thích hợp đến với người nông dân hiện khá chậm, chủ yếu theo thói quen truyền tai là chính.

Việc đưa giống lúa vào sản xuất đại trà với quy mô lớn trên vùng canh tác trong sản xuất lúa ở nước ta nói chung, ĐBSCL nói riêng vẫn là bài toán nan giải. Dẫu biết rằng có thể khuyến cáo sản xuất một loại giống lúa chất lượng cao, phù hợp trên diện tích lớn nhưng không thể áp đặt tất cả nông dân tham gia. Không dừng lại đó, thói quen của người nông dân Việt Nam ít mạnh dạn ứng dụng giống mới mà “xem thử người khác làm” hay đã quen làm một giống nào thì lúa vụ trước tự để giống lại cho vụ sau dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống, chất lượng, năng suất thấp.

Đâu là giải pháp?

Để giải quyết tất cả những vấn đề trên và đích đến cuối cùng là nâng cao chất lượng gạo thương phẩm, tăng giá trị hạt gạo Việt Nam, cốt lõi bài toán giống và sản xuất đại trà cần tập trung giải quyết. Muốn như vậy, ngay thời điểm hiện nay, quản lý chất lượng giống lúa cần đi vào chiều sâu và quản lý theo quy trình nghiêm ngặt, hiện đại. Bộ quy chuẩn giống xác nhận, nguyên chủng, siêu nguyên chủng... cần được thực hiện thật nghiêm túc.

Chất lượng hạt giống trong hệ thống sản xuất lúa giống vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Có nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng hạt giống lúa ĐBSCL chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, trong đó phần lớn các mẫu hạt giống không đạt chất lượng do tỷ lệ hạt khác giống cao hay độ thuần thấp. Hệ thống sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng của các viện, trường chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống chế biến hạt giống còn yếu kém, trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đồng bộ đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng giống thương phẩm. Hệ thống quản lý chất lượng hạt giống chưa vận hành tốt ở các cơ sở sản xuất hạt giống. Giống nông hộ có chất lượng thấp ở cả hai cấp giống nguyên chủng và giống xác nhận. Để nâng cao chất lượng giống nông hộ, các CLB, HTX, hộ sản xuất giống phải được cung cấp giống gốc đạt chất lượng, công tác kiểm định ngoài đồng, kiểm nghiệm trong phòng nghiên cứu cần được hỗ trợ và giám sát của các cơ quan chức năng. Các công ty giống là những đơn vị có hệ thống sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng hạt giống tốt nhất. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất lượng giống chất lượng cao đủ đáp ứng cho sản xuất đại trà với giá cả phải chăng để nông dân có thể áp dụng sản xuất trên diện tích lớn.

Nguồn www.kinhtenongthon.com.vn