Đây là kết quả tích cực trong điều kiện châu Âu đang gặp khủng hoảng nợ công, một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng gặp khó khăn kinh tế, khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cam kết sẽ quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ để phát triển và tái cơ cấu kinh tế.
Đánh giá cao những ý kiến trao đổi của nhà tài trợ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà tài trợ.
Từ năm 2012, quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ được đẩy mạnh và hơn lúc nào hết Việt Nam mong muốn có được sự ủng hộ của các nhà tài trợ để thực hiện các bước đột phá, đặc biệt là cải thiện cơ sở hạ tầng.
Nhận thức rõ rằng cam kết ODA mới chỉ là sự ủng hộ về chính trị, việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn này nhằm tạo ra các công trình, sản phẩm kinh tế- xã hội cụ thể mới thực sự đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA.
Tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam những năm gần đây luôn ở mức cao, đạt 2,94 tỷ USD vào năm 2010 và dự kiến lên đến 3,65 tỷ USD trong năm 2011. Dự kiến, tính đến hết năm 2011, khoảng 33,414 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam được giải ngân, chiếm 61% tổng vốn ODA đã ký kết.
Việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua được đánh giá về cơ bản đạt hiệu quả tốt, có tác động tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và xoá đói giảm nghèo của Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn