Kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2-12-1975 – 2-12-2011)

Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông

Tháng 8-1945, cả Đông Dương thuộc Pháp sôi sục khí thế cách mạng. Nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia đứng dậy giành chính quyền sau 100 năm sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp.

Lúc này Hoàng thân Xuphanuvông đang sống ở thành phố Vinh để xây dựng cầu Yên Xuân bắc qua sông Cả. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã cử ông Lê Văn Hiến vào mời Hoàng thân ra Hà Nội để bàn việc Liên minh Việt - Lào trong tương lai nhằm chống thực dân Pháp đang âm mưu trở lại xâm lược Việt - Lào.

Đây là lần đầu tiên Hoàng thân được tiếp kiến vị Chủ tịch của nước Việt Nam. Nhưng trước đó, lúc đang là sinh viên của Trường Đại học Quốc gia cầu đường của Pháp ở Paris, Hoàng thân đã được nghe tên và đọc sách báo cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết. Hoàng thân ngưỡng mộ và kính trọng vị lãnh tụ Việt Nam đó cho đến khi được tiếp kiến Bác Hồ, Hoàng thân đã vui mừng biết được Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông.

Những ngày ở Hà Nội, Bác Hồ mời Hoàng thân ở lại ngay trong Phủ Chủ tịch và thân thiết như người nhà. Hai vị cùng ăn cơm rau muống, muối vừng ngay trong nhà bếp và trải chiếu nằm ngủ bên nhau giữa sàn nhà.

Khi hai vị đã bàn bạc xong xuôi việc chuẩn bị kháng chiến chống thực dân, đế quốc thì Hoàng thân được điện của người anh ruột là Hoàng thân Phếtxarạt gọi về Lào để tham gia vào chính quyền cách mạng Lào mới được thành lập.

Mặc dầu sau lễ Quốc khánh đầu tiên của Việt Nam, Bác Hồ rất bận nhưng vẫn lo chu đáo việc tiễn Hoàng thân trở về Lào. Bác đã giao cho Bí thư Xứ ủy, Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh lập một đội giải phóng quân để hộ tống, bảo vệ Hoàng thân về Lào.

Theo dõi những diễn biến ở mặt trận Lào, Bác Hồ đã chỉ thị cho ông Nguyễn Đức Quỳ, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Thái Lan hết lòng chuẩn bị đón tiếp Hoàng thân và Liên quân lánh nạn qua đất Thái. Trong trận này Lê Thiệu Huy, thư ký của Hoàng thân cùng vài chiến sĩ Việt Nam bảo vệ Hoàng thân đã hy sinh. Hoàng thân cũng bị thương nặng. Được Chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Priđi Phnômyong giúp đỡ, nhân dân và liên quân Việt Lào được cư trú và được chăm sóc trên đất Thái. Hoàng thân được đưa về Băng Cốc cứu chữa…

Sau khi bình phục, Hoàng thân đã tập họp lại lực lượng khẩn trương mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự… Việc chuẩn bị trở về Lào chiến đấu đang diễn ra thì các thế lực phản động Thái Lan do Pháp và Mỹ xúi giục, đã lật đổ Priđi Phnômyong, đưa Phibun Sôngkham lên làm Thủ tướng phản động, chống cộng điên cuồng, khủng bố Việt kiều và từ chối ủng hộ phong trào kháng chiến của nhân dân Lào.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Bác Hồ đã phái ông Nguyễn Tử Quỳ đem một đội quân đi đón Hoàng thân. Đêm 18-11-1949, Hoàng thân cùng các cộng sự bí mật vượt sông Mê Kông từ Thái trở về Lào, được đội quân của Nguyễn Tử Quỳ đón tiếp, bảo vệ và hộ tống Hoàng thân về chiến khu Việt Bắc.

Những ngày ở Việt Bắc, Bác Hồ lại tiếp đón Hoàng thân như người bạn tâm đắc, lại cùng nằm chung trên sạp lán, cùng ăn chung cơm rau gian khổ ở chiến khu. Sau những lúc bàn bạc chuyện đánh Pháp, chống Mỹ giúp Lào trong công cuộc kháng chiến cứu nước, Bác Hồ và Hoàng thân lại cùng nhau đánh bóng chuyền, cùng ra ngồi câu cá thư giãn ven bờ suối; cùng chân đất vác cuốc đi trồng rau, trồng khoai tăng gia sản xuất.

Lần này, từ Việt Bắc trở về Lào, Hoàng thân cùng Đảng Nhân dân cách mạng Lào mở Đại hội thành lập Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào yêu nước. Đại hội đại biểu của nhân dân các bộ tộc Lào đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước.

Từ đó, Bác Hồ đã cử quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam qua giúp Lào cùng đánh giặc. Hoàng thân đã cùng nhân dân Lào chiến đấu đánh Pháp, chống Mỹ cho đến ngày giành lại được độc lập tự do hoàn toàn cho đất nước Lào.

Trong hai ngày 1 và 2-12-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn chế độ phong kiến lỗi thời, tiếp nhận đơn xin thoái vị của vua Lào để thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao và bầu ông Cayxón Phômvihãn làm Thủ tướng Chính phủ.

* * *

Mùa xuân năm 1990, tôi được Ủy ban Khoa học xã hội Lào mời đến Viêng Chăn để dịch cuốn sách “Hoàng thân Xuphanuvông - nhà lãnh đạo cách mạng” (do các lãnh tụ, chính khách, văn nghệ sĩ, trí thức trên thế giới viết về Hoàng thân Xuphanuvông) ra tiếng Việt.

Đây là những ngày tôi được sống gần gũi trong gia đình Hoàng thân, mới thấu hiểu tình cảm sâu đậm của Bác Hồ đối với Hoàng thân cũng như Hoàng thân và gia đình đối với Bác Hồ.

Sống trong nhà Hoàng thân, thường trong bữa cơm, lúc ngồi nghỉ ngơi bên bàn trà, Hoàng thân thường kể chuyện Bác Hồ cho chúng tôi nghe rằng, hồi ở chiến khu Việt Bắc, Hoàng thân đã cùng Bác Hồ chơi thể thao, tập thể dục, múa hát tập thể với cán bộ trong cơ quan; cùng tăng gia sản xuất, cuốc đất trồng rau.

Có một buổi sáng Hoàng thân dậy sớm và hỏi tiến sĩ Xinava (nay là Thứ trưởng Bộ Năng lượng - Khoáng sản) con út rằng: “Có nhớ hôm nay là ngày gì không?” Xinava thưa: “Ngày 19-5 – ngày sinh của Bác Hồ”.

– Con nhớ thế là tốt - Hoàng thân nói - Vậy thì các con đi mua trái cây ngon và hoa tươi về chúng ta cúng Bác Hồ.

* * *

Một hôm, Hoàng thân dẫn tôi vào phòng riêng chỉ tay vào bức tranh Bác Hồ ngồi với Lênin do ông tự tay vẽ bằng sơn dầu lên bức tường cạnh bàn viết của mình. Sau đó Hoàng thân xúc động chỉ từng món quà Bác Hồ tặng lúc ở Việt Bắc và Hà Nội, rồi lấy từ trong hòm ra từng thứ quà của Bác Hồ và nâng niu trên tay chiếc khăn phu-la len, xúc động nói: “Đây là chiếc khăn len Bác Hồ tặng trước khi Bác qua đời chưa đầy một tháng”.

Về sau này được gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ nhiều lần, nhưng Hoàng thân vẫn nhắc lại cái buổi ban đầu bằng giọng bồi hồi: “Cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp tôi khẳng định dứt khoát phải theo đuổi sự nghiệp cách mạng, đến với Đảng Cộng sản và dấn thân vào công cuộc chiến đấu cứu dân, cứu nước Lào”…

Nguồn Báo SGGP Online