Hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Ngày 28-11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với Ban Quản lý Ngành Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình triển khai thực hiện công trình Hồ chứa nước sông Biêu, huyện Thuận Nam.

(NTO) Hồ chứa nước sông Biêu được xây dựng từ năm 2008, có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, với dung tích 23,78 triệu m3. Công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 1.200 ha đất canh tác nông nghiệp. Đến nay, khối lượng chính theo hồ sơ dự thầu đã được thi công hoàn thành. Phần khối lượng bổ sung do xử lý kỹ thuật, chống thấm, các đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện. Riêng tiến độ thực hiện khối lượng khoan phụt đập Trà Van được 89,3%, đập sông Biêu là 16%. Kết quả kiểm tra sau khi tích nước đến cao trình 97,5 m, cao hơn ngưỡng tràn 1,25 m; lượng nước thấm phía hạ lưu đập vẫn còn có dòng thấm nhỏ. Nguồn vốn năm 2011 đã giải ngân 50%, dự kiến đến hết năm sẽ tiếp tục giải ngân 32,4 tỷ đồng. Theo báo cáo tổng số vốn đã được tạm ứng là 214 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu trong đoàn giám sát đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện công trình, kịp thời khắc phục những yếu kém trong quản lý kỹ thuật và xử lý nghiêm việc thiếu tuân thủ các biện pháp kỹ thuật dẫn đến chậm tiến độ thi công.

• Cùng ngày, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tiếp tục có buổi giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 của huyện Thuận Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo huyện, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nhận xét, vẫn còn nhiều vấn đề về sản xuất, thu ngân sách, xây dựng cơ bản mà Thuận Nam cần phải giải quyết để làm cơ sở cho triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm tới. Đồng chí đề nghị, Thuận Nam đánh giá cụ thể việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan; việc chỉ đạo, điều hành, thống kê số liệu báo cáo. Trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Thuận Nam cần có kiến nghị với tỉnh về các công trình cần quan tâm, phân tích rõ các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn; vì sao các dự án còn ách tắc, chậm phân bổ vốn và tồn nợ ở các công trình. Đối với tình hình nhiễm mặn đồng muối Quán Thẻ cần đề xuất nội dung cụ thể để tỉnh hỗ trợ giải quyết ổn định tình hình sản xuất, đời sống người dân xã Phước Minh.

Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Thuận Nam.
Ảnh: Bạch Thương.

• Tiếp tục chương trình giám sát, ngày 29-11, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Kho bạc Nhà nước tỉnh về kết quả thu ngân sách nhà nước, công tác kiểm soát hoạt động chi thường xuyên, tình hình thanh toán, giải ngân và nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 trên địa bàn tỉnh.

Năm 2011, Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng các mặt công tác; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu cho ngân sách. Thực hiện việc giải ngân các khoản kinh phí và kiểm soát chi thường xuyên của các đơn vị thụ hưởng ngân sách theo đúng chế độ của Nhà nước và các giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh. Về công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 25-11-2011, tổng nguồn vốn XDCB tập trung là hơn 105 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm; tổng số thu nội địa hơn 800 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách tỉnh đạt trên 490 tỷ đồng, ngân sách huyện đạt gần 280 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh có một số kiến nghị với tỉnh, đó là cần chỉ đạo các sở, ngành, các chủ đầu tư tích cực trong việc thu hồi tạm ứng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để việc quản lý vốn đầu tư ngày một tốt hơn và không ảnh hưởng đến công tác quyết toán vốn đầu tư hàng năm của ngân sách địa phương; quan tâm bố trí vốn để hoàn trả dự án hệ thống tạo nguồn dọc kênh chính Bắc; đồng thời xây dựng kế hoạch vốn hàng năm phù hợp với khối lượng thực hiện của các dự án. Ưu tiên bố trí đủ vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bổ sung kế hoạch vốn và phân bổ các nguồn vốn như: Trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi, vốn dành để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án, tránh dồn vào cuối năm, gây áp lực cho cơ quan thanh toán...