Chính phủ thảo luận xây dựng ba đề án lớn

Một số đề án lớn được Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 11. Đó là các Đề án: Tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; phương án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 có tính đến 2020.

Các đề án nói trên do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2011. Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ ngay từ 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Dự thảo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã nêu rõ sự cần thiết của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; định hướng, mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và từng doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn lực được giao; tăng tiềm lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đảm bảo cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm tốt vai trò công cụ điều tiết vĩ mô… là những mục tiêu cụ thể mà Dự thảo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nêu ra.

Từ các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra các nhóm giải pháp thực hiện như Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại, danh mục doanh nghiệp nhà nước để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu cho từng doanh nghiệp; thực hiện nhất quán, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng tập đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình chuyên sâu, đơn lĩnh vực phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị; tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững doanh nghiệp nhà nước…

Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng phân tích rõ thực trạng về hoạt động ngân hàng; mục tiêu, định hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng triệt để và toàn diện; đề ra các giải pháp cụ thể trong thực hiện…

Dự thảo Đề án án tái cơ cấu đầu tư đã chỉ rõ định hướng tái cơ cấu đầu tư đối với từng nguồn vốn cụ thể như, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước; nguồn vốn ODA; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Các giải pháp đề ra trong Đề án gồm cả giải pháp trước mắt và các giải pháp tái cơ cấu đầu tư trong trung và dài hạn.

Thảo luận về các đề án nói trên, các thành viên Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết tập tập trung các nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế; cho rằng đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện một các toàn diện, đồng bộ ngay từ năm 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất việc tái cơ cấu đầu tư phải được triển khai thực hiện đồng bộ với các công cụ chính sách khác; gắn liền với đó là đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ; hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển…

Liên quan đến Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, ý kiến của nhiều Bộ trưởng cho rằng, Đề án cần tập trung mạnh vào các giải pháp để xây dựng hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng mạnh hơn. Cùng với đó là rà soát, sửa đổi các quy định an toàn về tín dụng, ngân hàng theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhấn mạnh sự cần thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ý kiến thảo luận các thành viên Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước; tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tăng cường hơn nữa tính kỷ luật tài chính và thực thi pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các Đề án trên cơ sở những ý kiến, đóng góp của các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành địa phương.

Nguồn www.chinhphu.vn