Thời của tăng huyết áp
Ngày 30.11, tại lễ Tổng kết 1 năm thực hiện dự án “Phòng, chống tăng huyết áp quốc gia”, GS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Viện Tim mạch T.Ư khẳng định: “Đây sẽ là kỷ nguyên của các bệnh không lây nhiễm. Dẫn đầu vẫn là các bệnh về truyền nhiễm, thần kinh, ung thư… trong đó tăng huyết áp là căn nguyên hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về tim mạch gây tử vong hiện nay”.
Điều trị tăng huyết áp ở Viện Tim mạch T.Ư.
Viện dẫn cho kết luận này, ông Việt cho biết, cuộc điều tra gần đây của Viện Tim mạch tại 8 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi là rất cao, ở mức 27,1%. Tức là cứ 4 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Tỷ lệ này gia tăng nhanh, bất kể độ tuổi, đối tượng và tính chất vùng miền.
Trung bình mỗi ngày, Viện Tim mạch tiếp nhận 20-25 bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… nguyên nhân chính là do tăng huyết áp.
Bác sĩ Phạm Thái Sơn (khoa Phẫu thuật và điều trị hậu phẫu, Viện Tim mạch) cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp là do cường độ làm việc quá sức, người bệnh có tiền sử uống rượu bia, thuốc lá, hoặc gia đình có tiền sử về bệnh tim mạch”.
Thực tế điều trị các bệnh nhân này cho thấy: 87% số người đang điều trị có ít nhất 3/5 yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Tỷ lệ người cao tuổi và nam giới mắc các bệnh về huyết áp cao hơn hẳn các nhóm đối tượng khác như thanh niên và phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành.
Tuy tăng huyết áp là căn bệnh thường gặp, nhưng lại ít có các biểu hiện rõ rệt để nhận biết và phát hiện, do đó bệnh có thể kéo đến đột ngột, bất cứ lúc nào. Thường thì chỉ khi có triệu chứng đau đầu cùng với cơn đau tim, đột quỵ gây xuất huyết não nặng nề thì bệnh nhân mới hay mình bị tăng huyết áp.
Phát hiện sớm nâng cao khả năng điều trị
Tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra những cơn đau thắt ngực, gây nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não…. Ngoài ra, tăng huyết áp còn có thể gây nên các biến chứng như: Đái tháo đường, suy thận, mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị. Phổ biến nhất vẫn là các biến chứng về mạch máu: Phình hoặc phình tách thành động mạch, tắc động mạch chủ. Vì vậy, nếu phát hiện sớm, chưa gây biến chứng, khả năng điều trị sẽ được nâng cao.
BS Nguyễn Thái Sơn khẳng định: “Không chỉ để lại di chứng cho bản thân người bệnh mà tăng huyết áp còn là gánh nặng cho toàn xã hội”. Theo tính toán, chi phí cho mỗi ca điều trị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc tai biến mạch máu não thường dao động trong khoảng từ 200-300 triệu đồng, đấy là chưa kể đến khó khăn do thời gian điều trị và hồi phục kéo dài, thậm chí cả đời.
GS - TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo: “Người dân cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo đó nên thực hiện chế độ ăn uống, làm việc khoa học. Thực hiện giảm cân, ăn nhiều rau, củ, quả, và các chất xơ. Giảm khẩu phần ăn là các chất béo, cay, dầu mỡ và các đồ ăn ngọt, hoặc mặn”. Ngoài ra, tuyệt đối không được lạm dụng các chất kích thích, như rượu bia, thuốc lá, cồn... vì nếu sử dụng quá nhiều nguy cơ tăng huyết áp và tử vong rất cao.
Tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển được khẳng định khi huyết áp đo tại cơ sở y tế lớn hơn hoặc bằng 140/90mm Hg, đo tại nhà lớn hơn hoặc bằng 135/85 mm Hg. Khi thấy có triệu chứng và số huyết áp như trên thì người dân cần tới ngay các cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời.
Nguồn Dân Việt