Ngày 26/11, hơn 300 phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong ngành Sản-Nhi đến từ các bệnh viện khu vực phía Nam và đoàn bác sĩ của tổ chức L’APPEL (Pháp) đã tham dự hội thảo Việt-Pháp “Thai kỳ nguy cơ cao: chẩn đoán tiền sản, xử trí, chăm sóc và điều trị sơ sinh non yếu” tại TP HCM.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho biết, hiện nay tỷ lệ thai phụ Việt Nam mắc viêm gan siêu vi B khá phổ biến, chiếm 10-15% và thường lây truyền từ mẹ sang con, nhất là trong lúc sinh.
Bác sĩ Philippe Condominas, Bệnh viện Nam Bretagne (Pháp), cho biết thêm, tần suất mắc bệnh viêm gan B tại châu Á là từ 10%-20%.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc viêm gan B cao nếu nghiện ngập, có nhiều bạn tình, có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Nếu xuất hiện viêm gan cấp tính trong tình huống sản phụ không được miễn dịch với siêu vi viêm gan B thì cần chủng ngừa ngay và huyết thanh phòng ngừa cho trẻ sau sinh. Tuy nhiên, việc phòng ngừa bằng các chủng ngừa và tầm sóat bắt buộc vào tháng thứ 6 của thai kỳ là cần thiết cho thai phụ.
Hội chứng HELLP, là một biến chứng sản khoa, cũng xuất hiện ở thai phụ, cứ 1.000 thai phụ thì có 6 người mắc hội chứng này. Hội chứng thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ và đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi (giống bị cảm cúm), huyết áp >140/90mmHg, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, buồn nôn và nôn ói, nhức đầu, rối loạn thị giác… Năm 2010, bệnh viện Từ Dũ có 54 ca mắc hội chứng HELLP (chiếm tỷ lệ 1,35/1.000 ca sinh), trong đó phụ nữ mang thai từ 27-37 tuần tuổi mắc hội chứng HELLP chiếm 61%.
Bên cạnh các vấn đề về viêm gan B và hội chứng HELLP thường gặp ở phụ nữ khi mang thai, các chuyên gia còn thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như: cập nhật về chăm sóc trẻ non yếu, xử trí các trường hợp sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B; thông khí không xâm lấn ở trẻ sinh non; cập nhật dinh dưỡng tĩnh mạch ở trẻ non tháng…
Nguồn Báo điện tử Đài TNVN