Hướng đi cho xuất khẩu lao động

Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) luôn được tỉnh ta quan tâm, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

(NTO) XKLĐ-hiệu quả kinh tế

Thực hiện Đề án XKLĐ, từ năm 2006 đến nay, tỉnh ta đã có 543 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Anh Trần Văn Việt, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn, lao động ở Hàn Quốc từ năm 2008, cho biết: “Mỗi tháng anh thu nhập từ lương, thưởng, tăng giờ được 30 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt, anh tiết kiệm được 20 triệu đồng”. Sau gần 4 năm đi lao động ở Hàn Quốc, hiện nay anh đã giúp đỡ gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, tích góp được một số vốn để lập nghiệp sau này. Cũng theo anh Việt, hiện nay gia đình anh đang làm hồ sơ XKLĐ cho em trai là Trần Văn Bắc sang Hàn Quốc vào cuối năm 2011.

Theo thống kê, lao động xuất khẩu đều có mức lương cao, ổn định. Hiện nay, mức thu nhập của người lao động tại Malaixia khoảng 5 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan (Trung Quốc) 8 triệu đồng; Hàn Quốc là 15 triệu đồng… Ngoài mức lương cơ bản trên, người lao động còn được tăng thêm thu nhập từ việc làm ca, thưởng… nên thực tế thu nhập cao hơn mức lương cơ bản từ 1,2 đến 1,5 lần, đặc biệt thu nhập tại thị trường Hàn Quốc gấp 2 đến 2,5 lần. Ngoài các khoản sinh hoạt hằng ngày, người lao động bước đầu đã có sự tích luỹ và chuyển tiền về cho gia đình. Qua khảo sát, từ năm 2006-2010, số tiền người lao động tích lũy gần 5 tỷ đồng gửi về cho gia đình. Đối với các gia đình có con, em đi lao động xuất khẩu thì đây là số vốn quý để phát triển kinh tế, giúp cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo bền vững. Thông qua XKLĐ những gia đình này đã thoát nghèo hoặc có mức sống khá hơn trước rất nhiều.

Người lao động “chưa mặn” với XKLĐ !

Qua thống kê mức lương và thu nhập ở thị trường ngoài nước cao hơn nhiều với thị trường lao động trong nước, thế nhưng người lao động ở tỉnh ta vẫn thờ ơ! Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ đầu năm đến nay, cũng mới chỉ có 4/25 (chỉ tiêu năm 2011) lao động đi XKLĐ. Trao đổi với ông Nguyễn Tấn Huân, Phó phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết : “Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình ngại cho con em đi làm ăn xa, nhất là ở nước ngoài; chi phí XKLĐ cao, vượt khả năng của người lao động; công tác đào tạo nghề còn hạn chế; lao động phổ thông mức thu nhập thấp nên lao động không mặn mà với thị trường XKLĐ”.

Có thể nói, công tác XKLĐ của tỉnh ta gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của việc lao động về nước trước thời hạn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều lao động khi về nước đã có đơn thư phản ảnh tình hình đời sống khó khăn, không có khả năng trả nợ vay ngân hàng, nên đã tạo dư luận không tốt. Bên cạnh đó, những bất ổn về thiên tai, chính trị của một số nước trên thế giới. Ngoài ra, các lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc vay vốn trước khi xuất cảnh. Từ thực tế đó, nên rất khó vận động, tuyên truyền người dân hưởng ứng tham gia các chương trình XKLĐ tiếp theo. Mặc dù Sở LĐ- TB & XH mời gọi các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ về tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, tuyển chọn số lao động về nước trước thời hạn và số lao động hiện đang chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định ở các huyện, thành phố để đưa đi làm việc ở nước ngoài nhưng đến nay kết quả đạt rất thấp.

Hướng đến thị trường XKLĐ

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta phấn đấu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.750 người sang các nước có nhu cầu, trong đó riêng huyện Bác Ái là 400 lao động. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ trên cơ sở thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chính sách của tỉnh về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi đi XKLĐ; có chính sách cho vay vốn đối với số lao động đi làm việc ở nước ngoài khi đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong lĩnh vực này về triển khai tuyển chọn lao động trên địa bàn. Lựa chọn các nước có nền chính trị ổn định, thu nhập cao để đưa lao động đến làm việc. Ưu tiên đối với thị trường có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, bên cạnh đó đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các nước tiếp nhận lao động. Đảm bảo giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu , nhất là về ngoại ngữ, văn hóa, kỷ luật lao động, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại …

Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:

XKLĐ là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015. Để XKLĐ thực sự là thế mạnh của địa phương, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ trong công tác tuyển chọn lao động. Ngăn ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo làm thiệt hại kinh tế đối với người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận thôn, xóm và hướng dẫn người dân cần trau dồi kiến thức, tay nghề để đáp ứng ngày càng cao về nhu cầu sử dụng lao động của phía nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc:

Xác định công tác XKLĐ là hướng đi có hiệu quả kinh tế cao, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chủ trương, chính sách, tầm quan trong và ý nghĩa của việc XKLĐ. Hằng năm, các xã phải tiến hành kiểm tra, rà soát những người chưa có việc làm, thanh niên xuất ngũ về địa phương, điều tra, nắm chắc trình độ văn hóa, nghề nghiệp và hoàn cảnh của từng người. Tăng cường tuyên truyền về XKLĐ với mọi hình thức, phù hợp với địa phương và lập danh sách, định hướng cho người lao động học nghề, ngoại ngữ để đủ điều kiện tham gia XKLĐ khi được tuyển. Phòng LĐ-TB&XH huyện thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh và các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ.
Đồng chí Lê Minh Cảnh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh:

Đơn vị tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín thực hiện các giải pháp ổn định thị trường XKLĐ hiện có; mở rộng các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaixia và đẩy mạnh khai thác mở rộng các thị trường mới nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người đi XKLĐ. Đồng thời, để đáp ứng được thị trường lao động và đạt mục tiêu đề ra, tỉnh ta cần mở rộng các trường nghề, nâng cao đào tạo nghề cho lao động, trang bị những kiến thức cơ bản cho lao động trong thời gian lao động ở nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động vay vốn để tham gia XKLĐ.