Xu hướng tăng trưởng xanh thế giới và một số kinh nghiệm

Thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược về phát triển xanh.

Nhiều nền kinh tế trên thế giới tiến hành “xanh” hóa

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ở châu Á, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

Phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh

Kinh nghiệm của Hàn Quốc- một trong những quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh cho thấy, ngay từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỷ USD để dùng cho sự chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, các-bon thấp” của Hàn Quốc xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 2,7% (năm 2009), 3,78% (năm 2013) và hơn gấp đôi lên đến 6,08% (năm 2020); đồng thời đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020 (đây là mức cắt giảm phát thải cao nhất do IPCC đề xuất).

Tại các nước trong khu vực, ví dụ như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Để tăng trưởng xanh, Trung Quốc cũng tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao... Chỉ riêng trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo, mỗi năm, Trung Quốc đã kiếm được 17 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người.

Gần đây nhất, tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) bế mạc ngày 13/11 tại đảo Hawaii, Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Honolulu, trong đó, APEC xác định cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh, carbon thấp, nâng cao an ninh năng lượng và tạo nguồn mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Năm 2012, APEC sẽ phát triển danh mục hàng hóa môi trường (hàng hóa xanh) và giảm thuế quan đối các mặt hàng này vào cuối năm 2015. APEC sẽ xóa bỏ rào cản phi thuế quan bao gồm các yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các dịch vụ và hàng hóa môi trường.

Để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh, APEC sẽ thực hiện các biện pháp như giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng của APEC vào năm 2035 so với năm 2005, kết hợp các chiến lược phát triển về thải carbon thấp vào các kế hoạch tăng trưởng kinh tế thông qua dự án Thành phố mẫu carbon thấp...

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”.

Trong xu hướng phát triển chung của thế giới, chúng ta đã xác định được vấn đề tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về tăng trưởng xanh chủ đề “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 3-4/10/2011, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, tăng trưởng xanh là giải pháp để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được mọi quốc gia mong đợi.

Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng các nước thành viên ASEM thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu cùng hành động để xanh hóa ASEM làm hạt nhân cho quá trình xanh hóa nền kinh tế toàn cầu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Khung Chiến lược xanh với tên gọi thống nhất là: "Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050".
Nguồn www.chinhphu.vn