Thế giới cần một quyết tâm chính trị trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngày 24/11, đã tuyên bố nêu rõ các chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến bắt đầu vào tuần sau tại Durban (Nam Phi), sẽ xây dựng một quyết tâm chính trị mà ông gọi là "can đảm chính trị” để hạn chế sự nóng lên của trái đất, tránh những hậu quả tai hại có thể xảy đến với cuộc sống của toàn nhân loại.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký OECD, ông Angel Gurria, cho biết: “Can đảm chính trị phải được bày tỏ tại Durban để chống lại biến đổi khí hậu”. Theo Viễn cảnh về môi trường của OECD cho năm 2050, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 4 thập kỷ tới, khiến nhiệt độ trung bình của thế giới tăng thêm từ 3 đến 6 độ C trong giai đoạn từ nay đến hết thế kỷ này.

Hy vọng các chính phủ sẽ bày tỏ thiện chí và can đảm chính trị nhằm đấu tranh chống
biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị Durban 2011 (Ảnh: AP)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 12/2009 ở Copenhagen (Đan Mạch), cộng đồng quốc tế đã thông qua một mục tiêu chung nhằm hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu không vượt quá 2ºC so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng các biện pháp mới từ phía các chính phủ chính là một “tương lai ảm đạm” mà OECD đã dự báo đối với trái đất.

Do đó, “các tổn thất về kinh tế và các hệ quả về môi trường của việc không hành động chính trị đối mặt với biến đổi khí hậu là đáng kể”, ông Gurria khẳng định.

Cần phải nhanh chóng “thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Durban” bởi “vẫn còn có thể cải thiện được các viễn cảnh tồi tệ có thể xảy đến vào năm 2050 như đã thông báo, với điều kiện các chính phủ lựa chọn đi theo con đường hướng tới tăng trưởng xanh”, ông Gurria nhấn mạnh.

Theo các đánh giá của tổ chức quốc tế này, “các chính sách tham vọng có thể giảm thiểu được 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (hay 52% so với mức của năm 2005)”.

Một chương trình chống biến đổi khí hậu như vậy sẽ chỉ có chi phí chiếm khoảng 5,5% GDP của thế giới vào năm 2050 và sự sụt giảm tăng trưởng GDP thế giới hàng năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 cũng chỉ là 0,2%, tương ứng với tỷ lệ 3,3% thay vì 3,5%.

“Tổn thất này còn thấp hơn so với tổn thất có thể xảy ra nếu không có hành động chính trị”, nhà lãnh đạo của OECD cho biết, đồng thời lưu ý rằng: “Các chính phủ phải đảm bảo thúc đẩy các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn các tổn thất có thể xảy ra và tăng thêm”.

OECD cũng ủng hộ việc tiến hành “đánh thuế carbon” và “một hệ thống cơ sở trao đổi hạn ngạch thải khí sẽ được đưa ra đấu giá”.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam