Ngày 22/11, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Liên đoàn Kinh tế Kansai và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) phối hợp tổ chức đối thoại kinh tế thường niên giữa Việt Nam và vùng Kansai (Nhật Bản).
Chủ tọa diễn đàn. - Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ ngành và các tỉnh thành miền Trung, đại diện 140 doanh nghiệp Việt Nam dự đối thoại.
Về phía Nhật Bản, Chủ tịch liên đoàn kinh tế Kansai Shosuke Mori, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, Trưởng đại diện JICA Việt Nam Motonori Tsuno, cùng 160 lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Kansai hiện đang đầu tư tại Việt Nam dự đối thoại.
Hai vấn đề chính được các đại biểu trao đổi tại diễn đàn là: Tiềm năng và cơ hội hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam và hành lang kinh tế Đông Tây; và Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ.
Sức hút từ Việt Nam
Theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng với nhiều yếu tố thuận lợi như dân số trẻ, tăng nhanh, nhân công tương đối rẻ; chi phí đầu tư thấp, thể chế chính trị ổn định, xã hội an toàn trật tự; sự tương đồng giữa lịch sử, tôn giáo…
Bắt đầu từ những năm 1990, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Việt Nam luôn tăng một cách ổn định. So với một số nước lân cận, số hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ dưới 400 (năm 2000) lên gần 1.000 thành viên (năm 2010).
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia cung cấp ODA hàng đầu và là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tại Việt Nam về vốn đăng ký và đứng thứ đầu về vốn thực hiện (1.623 dự án FDI còn hiệu lực với 22,3 tỷ USD vốn đăng ký). Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 giữa hai nước đạt hơn 16 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2009. Riêng 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước đạt xấp xỉ 15 tỷ USD.
Đánh giá mối quan hệ này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong thời gian qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Sáng kiến chung Việt - Nhật thực hiện được 3 giai đoạn và đang triển khai giai đoạn 4 đã giải quyết được hàng trăm vấn đề vướng mắc, giúp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam.
Những cơ hội lớn
Phó Thủ tướng cho biết, khu vực miền Trung với tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) với vị trí chiến lược cửa ngõ của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong là khu vực có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực này để trở thành trung tâm sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm Việt Nam từ đây đi ra thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn tới các cơ hội đầu tư lớn tại Việt Nam, tạo nên mối liên kết chặt chẽ có lợi cho cả hai nền kinh tế. - Ảnh: Chinhphu.vn
Tuy nhiều tiềm năng, nhưng các địa phương trên vẫn còn chậm phát triển. Tính hết tháng 10/2011, khu vực miền Trung chỉ thu hút được 750 dự án, với tổng vốn đăng ký 23,7 tỷ USD (chiếm 11,6% so với cả nước). Trong đó, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản là 71 dự án, với tổng vốn đăng ký là 417 triệu USD, chiếm 2% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển. Nhiệm vụ này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, khả năng huy động vốn chỉ đạt 50 – 60% nhu cầu, trong đó 40 – 50% là nguồn vốn từ ngân sách. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp, chính sách hiệu quả hơn để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó vấn đề hoàn thiện chính sách về hình thức đối tác công – tư (PPP) được Chính phủ Việt Nam xem là giải pháp quan trọng.
Đây là những cơ hội lớn mà phía Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn, tạo nên mối liên kết chặt chẽ có lợi cho cả hai nền kinh tế Việt – Nhật.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự hiện diện của các tập đoàn lớn có trụ sở tại Kansai như Panasonic, Sanyo, Hitachi … và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ công nghệ cao đã đầu tư vào Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị này là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp Việt – Nhật và lãnh đạo hai nước cùng thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư đồng thời để đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn vốn đầu tư.
Để thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI
Tại cuộc đối thoại, các đại biểu cũng đã tỏ ra quan ngại một số “điểm trừ” trong thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế tạo, phụ trợ.
Phía Nhật Bản khẳng định Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp. - Ảnh: Chinhphu.vn
Theo ông Noriaki Shutoh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, điều mà các doanh nghiệp không hài lòng đối với môi trường đầu tư tại đây là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông chưa phát triển đồng bộ.
Cùng với đó, việc cấp phép đầu tư, các thủ tục hành chính, nguồn cung cấp điện thiếu ổn định, những khó khăn trong mua sắm máy móc, nguyên liệu tại chỗ… cũng là một trở ngại đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực cao không nhiều đã tạo ra trở ngại khi các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế tạo, công nghệ cao đắn đo khi lựa chọn Việt Nam…
Ông Shosuke Mori - Chủ tịch liên đoàn kinh tế Kansai nhận định, thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của châu Á. Với vai trò là một trong những nước mới nổi trong khu vực, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhân diễn đàn này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích, tìm được đối tác kinh doanh và định hướng mới của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nguồn www.chinhphu.vn