121 câu hỏi chất vấn Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành vừa tới tay các đại biểu. Bộ GTVT, Tài chính, KH-ĐT tiếp tục đứng đầu danh sách nhận chất vấn.
Sân golf tràn lan khắp nước có phù hợp với Việt Nam?
Dự án sân golf ngay cạnh đường bay trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đặt vấn đề với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay một số khu vực đất do Bộ Quốc phòng quản lý đã và đang triển khai các dự án sân golf. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), sân bay Gia Lâm, trường bắn Miếu Môn (Hà Nội) đang gây nhiều thắc mắc và bức xúc trong một bộ phận cử tri.
Bà Dung yêu cầu người đứng đầu Chính phủ cho biết chủ trương, nhu cầu, mục đích của việc triển khai các dự án sân golf này.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh về dự án xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự và căn hộ cao cấp trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hệ quả của dự án này, theo đại biểu, đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc đảm bảo an ninh quốc phòng khi một khu phức hợp như thế đặt trong khu vực sân bay của thành phố; vấn đề bảo đảm an toàn bay khi khu phức hợp này nằm dưới đường lượn của máy bay; vấn đề hiệu quả kinh tế khi mỗi đêm nhiều máy bay phải bay ngược ra gửi ở sân bay Đà Nẵng vì thiếu diện tích đậu đỗ; vấn đề môi trường nguồn nước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để duy trì sân golf.
Một chất vấn khác về vấn đề này được đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) gửi tới Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Đại biểu nêu thực tế, dư luận gần đây lo ngại về dự án xây dựng sân golf với khu dịch vụ có nhà cao tầng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm vì cho rằng làm như vậy là tạo thêm chướng ngại vật, vi phạm tĩnh không sân bay và đặt hoạt động hàng không vào trạng thái mất an toàn thường trực.
Mặc dù nhà đầu tư dự địch cắt giảm độ cao công trình dịch vụ từ 12 tầng xuống còn 5 tầng, nhưng các chuyên gia hàng không vẫn cho rằng dự án vân gây ra áp lực cho phi công khi hạ cánh, cất cánh do ảnh hưởng đến vòng lượn của máy bay, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Bà Trang yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình cơ sở cho phép xây dựng sân golf có công trình cao tầng trong khu vực 2 sân bay này. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết dự án có ảnh hướng đến an toàn bay không, có vi phạm quy định về an toàn tĩnh không sân bay theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế hay không? Nếu xảy ra sự cố cho các chuyến bay do dự án này, Bộ GTVT có chịu trách nhiệm?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Xung quanh quyết định dự án sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) lại nghi vấn Bộ KH-ĐT hay thành phố thực tế có cấp phép xây dựng. Nếu có, việc cấp phép đầu tư sân golf trong khu vực sân bay có phù hợp quy hoạch mở rộng công trình này, đảm bảo quy định an toàn bay?
Về thực trạng chung, ông Hòa đề nghị Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết cụ thể số lượng sân golf đến nay Bộ và các địa phương đã quy hoạch, cấp phép đầu tư xây dựng cũng như đánh giá tính hợp lý về số lượng sân golf như vậy.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, cử tri cả nước quá bức xúc trước nhiều dự án xây dựng sân golf tràn lan khắp cả nước trong khi nhu cầu rất ít, gây lãng phí đất đai. Ông Tiếp yêu cầu Bộ trưởng KH-ĐT có đánh giá và kiến nghị với Chính phủ để hạn chế và cân đối các dự án xây dựng sân golf phù hợp với yêu cầu thực ở Việt Nam.
Quốc lộ đầu tư như… đường làng
Bộ mặt nhiều quốc lộ "hành dân".
Ngoài vấn đề sân golf, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn nhận nhiều câu hỏi hóc về chủ đề rất thời sự hiện nay – ùn tắc, tai nạn giao thông.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn, trước tình hình ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn, tai nạn giao thông ngày càng tăng, chất lượng cầu, đường làm trước hư sau, Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để giải quyết được vấn nạn ùn tắc, giảm bớt tai nạn, nâng cao chất lượng làm cầu đường. Ông Thuyền yêu cầu Bộ trưởng GTVT trả lời rõ thời hạn bao lâu có thể giải quyết vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Một trong số đó là cơ sở hạ tầng không tốt. Bà Bé chia sẻ khó khăn hiện tại của ngành với Bộ trưởng Thăng.
Song dẫn thực trạng tại địa phương mình, các đường quốc lộ đi ngang đều xuống cấp (Quốc lộ 61, 63, 80, N1) càng góp phần làm tăng tỷ lệ tai nạn cho người dân khi tham gia lưu thông. “Có những quốc lộ đầu tư như… đường làng (rộng chỉ 3 mét rưỡi)” – đại biểu bức xúc đặt câu hỏi, đến khi nào người dân được đi trên con đường thực sự là quốc lộ? Trong bối cảnh khó khăn về vốn khi phải thực hiện NQ 11, Bộ trưởng làm thế nào đề giải quyết, khắc phục các “ổ voi” đang là vấn nạn hiện nay trên các quốc lộ.
Một nội dung nhiều khả năng làm “nóng” diễn đàn phiên chất vấn là công tác điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu của Bộ Tài chính.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) yêu cầu Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết cụ thể công tác điều hành, quản lý giá xăng dầu hiện nay. Với giá xăng dầu như này, các công ty kinh doanh lãi hay lỗ. Có hay không hiện tượng “làm giá” giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này?
Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) “cáo buộc” việc tăng giá xăng dầu, giá điện ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân thời gian qua. Bà Ánh thắc mắc, tại sao giá xăng dầu thế giới có lúc giảm mà giá trong nước không giảm, tại sao có lúc giá xăng dầu, giá điện điều chỉnh tăng liên tục đợt đầu năm 2011.
“Có phải do kinh doanh 2 ngành này thực sự lỗ hay do công tác quản lý điều hành về giá của Bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thực sự kiên quyết điều hành giá giảm khi cần thiết” – bà Ánh nêu giả thiết.
Đại biểu băn khoăn sắp tới, Bộ sẽ thể hiện vai trò điều hành của mình thế nào để quản lý hiệu quả nhất giá cả hợp lý các mặt hàng trên, không gây đột biến làm biến động lớn giả cả sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống người dân?
Nguồn Báo điện tử Dân trí