Lương tối thiểu làm người lao động… khó sống

“Mức lương 1,5-2 triệu đồng/tháng, bữa ăn thực tế của công nhân các khu công nghiệp thường xuyên chỉ có rau muống luộc với đậu phụ”, “Một sinh viên mới ra trường, lương hơn 2 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà, xăng xe, ăn uống, hai vợ chồng không nuôi nổi con”…

Rất nhiều dẫn chứng thực tế được các đại biểu Quốc hội đưa ra để nói về những bất cập, lạc hậu trong chế độ tiền lương khi bàn hướng sửa Bộ luật lao động chiều nay, 16/11.

Lương tối thiểu phải “chạy” cùng chỉ số tăng giá

Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN Đặng Ngọc Tùng thẳng thắn nhìn nhận, lương tối thiểu thời gian qua chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Mức sống tối thiểu, theo ông Tùng, tính bằng rổ hàng hóa mà người lao động sống được với rổ hàng đó.

 Bữa ăn của nữ công nhân tại nhà trọ.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tán thành, lương tối thiểu hiện nay chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu cuộc sống của người lao động. Các doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu chỉ tăng thêm 10-20-30%, vẫn chưa đủ bù đắp 40% thiếu hụt, chưa kể tái tạo sức lao động.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) cũng chỉ ra, đời sống của người lao động hiện tại thực sự… quá khó khăn. Với mức lương 1,5-2 triệu đồng/tháng, bữa ăn thực tế của công nhân các khu công nghiệp chỉ có rau muống luộc với đậu phụ diễn ra rất thường xuyên. Chỗ ở hết sức tạm bợ, một căn phòng nhỏ 4 - 5 người. Người nào khá còn có một tấm nệm mỏng để nằm, còn hầu hết chỉ trải chiếu.

Không chỉ đối với công nhân, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu dẫn chứng về khó khăn của cán bộ công chức. Bà An làm phép tính, một sinh viên mới ra trường, lương hơn 2 triệu đồng/tháng, nếu ở thành phố phải thuê nhà 500 nghìn đồng, xăng xe máy 300 nghìn đồng, còn lại ăn uống, hai vợ chồng không nuôi nổi con. “Lương thấp thì khó tránh "chân ngoài dài hơn chân trong'' - bà An nói.

Quay lại mổ xẻ những bất cập, lạc hậu của tiền lương so với đời sống, ông Đặng Ngọc Tùng “quy kết”, chính việc quy định lương tối thiểu như hiện nay làm người lao động khó sống. Ông Tùng cho rằng, các doanh nghiệp không thiếu cách lách luật.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động nêu ví dụ phổ biến tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, người lao động đi làm đủ 30 ngày trong tháng sẽ được thêm một khoản thu nhập khoảng 500.000đ, gọi là phụ cấp thêm. “Dù gọi tên gì thì những khoản thù lao này đều là lương. Doanh nghiệp lách, nói cách khác đi để tránh phải đóng thuế” – ông Tùng phân tích.

Đại biểu Đồng Nai đề nghị thiết kế lương tối thiểu không là một con số chết mà phải gắn liền với chỉ số tăng giá. Hàng năm, CPI tăng bao nhiêu thì phải căn cứ vào đó để tính lương tối thiểu.

Nâng thời lượng làm thêm, nữ công nhân “ở giá” hết

Ông Đặng Ngọc Tùng: "Phụ cấp vẫn là từ lương, doanh nghiệp nói khác đi để tránh đóng thuế".

Đề xuất nâng thời lượng làm thêm giờ tối đa từ 200 giờ lên 360 giờ/năm trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi cũng là nội dung gây nhiều tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) ủng hộ đề xuất tăng giờ làm thêm vì việc đó góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thị trường lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Giới hạn làm thêm giờ hiện nay, theo ông Thu, các nước trong khu vực đều ở mức cao hơn như Trung Quốc quy định 36 giờ/tháng, Hàn Quốc 48 giờ/tháng, Singapore 72 giờ/tháng, Malaysia hơn 100 giờ/tháng, Nhật Bản thậm chí không khống chế.

Ông Thu chỉ lưu ý, có thể nâng thời gian làm thêm tối đa nhưng phải đi kèm các điều kiện tiền lương, chế độ bồi dưỡng, nghỉ ngơi giữa giờ làm.

Tỏ ý tán thành, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) chỉ phân tích ở khía cạnh mức chi trả cho người lao động làm thêm giờ hiện nay quy định không quá 150% giờ làm bình thường là không phù hợp, người lao động thiệt thòi mà người chủ sử dụng cũng muốn tận dụng để khỏi phải tuyển thêm người làm mới, mất chi phí đào tạo.

“Nếu tăng thời gian làm thêm thì nên quy định buộc tăng cao tiền lương, đến 250% lương làm bình thường. Chặn mức làm thêm 200-300 giờ/năm rồi khống chế tiền ở mức thấp thì vẫn tiếp tục như trước nay, không thay đổi, cải thiện gì” – ông Thống kiến nghị không đặt ra mức giới hạn, khống chế thời lượng làm thêm với người lao động.

Ngược lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cho rằng, tăng giới hạn giờ làm thêm càng tạo điều kiện cho người sử dụng lao động lợi dụng như một hình thức "bóc lột sức lao động tinh vi". Ông Tỷ phân tích, mỗi người lao động chỉ làm thêm vài chục phút mỗi ngày, nhận thêm một chút thù lao, nhưng mỗi nhà máy đều có hàng nghìn công nhân, giá trị làm ra trong vài chục phút đó không hề nhỏ.

Ông Tỷ kiến nghị không những không được tăng số giờ làm thêm, thậm chí, xu hướng ngày càng phải giảm dần việc này.

Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) lại lo lắng: “Đưa ra thời gian làm thêm như trong luật, tôi nghi ngờ tất cả chị em làm việc ở những nhà máy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ quá lứa, ở giá hết vì làm như vậy làm gì còn thời gian ra ngoài, giao lưu, kết bạn, học tập văn hóa”.

Nguồn www.dantri.com.vn