Hiện lãnh đạo các nền kinh tế phương Tây đang nói nhiều tới việc chuyển đổi nền kinh tế từ các dịch vụ tài chính sang các nguồn thu nhập thực tế hơn. Sản xuất, hoạt động trước đây được coi là ít phức tạp nên thường được gán cho các nền kinh tế mới nổi, giờ được coi là biện pháp an toàn và hiệu quả. Nhìn chung, các nước thâm hụt tài khoản vãng lai, như Mỹ và Anh đang tìm cách cân bằng lại bằng cách chuyển từ tiêu dùng nội địa sang tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Các công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển tại các nền kinh tế mới nổi khi nhu cầu nội địa suy giảm. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cũng cần nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng và giảm tiết kiệm. Hệ thống tài chính ở các nước đang phát triển cũng cần được cải thiện để tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng. Tất cả những điều này đều tiến đến mục tiêu giảm bớt sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến sự mất cân bằng còn tồn tại. Theo giới phân tích, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tái cân bằng toàn cầu đã bắt đầu đối với hai nền kinh tế mất cân bằng nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc vẫn dựa chủ yếu trên đầu tư nội địa, dẫn tới sự không ổn định trên con đường phát triển. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ dù hướng đến xuất khẩu nhiều hơn nhưng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, một số hạn chế trong thị trường tín dụng và mạng lưới phúc lợi xã hội ở các nền kinh tế mới nổi đã góp phần làm giảm động lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục lan rộng tại châu Âu cũng là yếu tố cơ bản cản trở nỗ lực cân bằng nền kinh tế thế giới.
Các chuyên gia dự đoán phải mất nhiều thập kỷ nữa kinh tế thế giới mới có thể đạt được tiến trình tái cân bằng trên cơ sở nỗ lực tột bậc của cả các nước phát triển và đang phát triển.