Cần bổ sung đất cho chăn nuôi
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), trong 10 năm qua, cả nước đã chuyển đổi 270.000ha đất nông nghiệp sang làm công nghiệp, đô thị. Nếu chỉ tính ¼ diện tích đất này chưa được sử dụng, mỗi năm chúng ta đã mất nguồn thu khoảng 4.500 tỷ đồng, chưa kể nhiều lao động không có việc làm. Ngoài ra, còn tới 39.000ha đất ở các khu kinh tế trong một thời gian dài chưa được sử dụng cũng gây lãng phí lớn.
Quá trình đô thị hoá đang ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa (ảnh minh hoạ).
Về quy hoạch đất lúa, ông Tiến cho rằng: “Theo kế hoạch, 10 năm tới, đất lúa sẽ giảm 306.000ha, xuống còn 3,8 triệu ha là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ cần thay đổi chính sách là sử dụng đất đến đâu cắt đến đó, chứ không cắt ra rồi để đấy như giai đoạn vừa rồi. Đồng thời, trong đất nông nghiệp, cần bổ sung đất cho chăn nuôi để tăng cường chăn nuôi trang trại”.
Theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2015, chúng ta nên duy trì diện tích đất trồng lúa từ 3,9-4 triệu ha và đến năm 2020 là 3,8-3,9 triệu ha, chứ không nên “chốt” diện tích 3,8 triệu ha.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng đồng ý với việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Song theo ông Lịch để giữ được diện tích trên ổn định lâu dài, cần phải có các chính sách căn cơ: “Sau khi quy hoạch, chúng ta phải đưa diện tích quy hoạch lên bản đồ để đảm bảo diện tích đó không bị xâm phạm. Đồng thời, đảm bảo nâng mức thu nhập cho người dân trồng lúa và có chính sách rõ ràng cho những địa phương giữ đất trồng lúa, để họ không phải lo phá diện tích đất trồng lúa để thu ngân sách”.
Về đất các khu công nghiệp (KCN), theo ông Lịch: “Đến năm 2015, chúng ta sẽ nâng diện tích đất KCN lên 150.000ha và 2020 là 220.000ha. Con số này cần phải xem lại vì theo báo cáo, trong số 227 KCN, có đến 90% khu đang trong giai đoạn đền bù, giải tỏa, số còn lại bình quân mới chỉ sử dụng hết 46%, vậy 54% còn lại bao giờ mới lấp đầy. Để Quốc hội biểu quyết thông qua, Chính phủ phải tính toán, giải trình rõ bằng định lượng, chứ không thể định tính được”.
Tránh tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm
Đối với vấn đề quy hoạch đất hiện nay, các đại biểu cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất ở các địa phương hiện còn khá tùy tiện, dẫn đến lãng phí nhiều diện tích đất, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng thu hồi đất để chiếm đất hoặc chuyển nhượng hưởng chênh lệch. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: “Chúng ta cần sớm xây dựng Luật Quy hoạch, vì vấn đề kiểm tra, giám sát quy hoạch nói chung, quy hoạch đất nói riêng phải được điều chỉnh bằng luật, từ đó mới tránh được tư duy nhiệm kỳ chi phối và vì nhóm lợi ích”.
Chia sẻ với ý kiến của ĐB Vở, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa- Vũng Tàu) thắc mắc: “Việc quy hoạch đất của nhiều địa phương không đồng bộ, dẫn đến chồng chéo, khó triển khai thực hiện, làm lãng phí đất. Việc quy hoạch phải dựa trên đối thoại giữa các bên có liên quan để giảm tham nhũng trong quy hoạch sử dụng đất. Hơn nữa, việc quy hoạch sử dụng đất ở cả 4 cấp là không cần thiết, nên cân nhắc xem bỏ quy hoạch đất ở cấp xã. Theo tôi, không nên bố trí đất ở các KCN, đô thị… nếu diện tích lấp đầy không đạt quá 60%”.
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) thì lo lắng tốc độ thu hồi đất như hiện nay là quá nhiều và quá nhanh. “Với tốc độ thu hồi như hiện nay, mỗi năm chúng ta sẽ có 70 vạn nông dân bị mất việc làm, đẩy cuộc sống của họ từ chỗ khó khăn sang khó khăn hơn do không có việc làm, không có thu nhập. Do đó, theo tôi cần phải đảm bảo lợi tích tối đa cho người bị thu hồi đất, phải đền bù theo giá thị trường, tránh việc áp giá đền bù đất quá thấp” - bà Phương Lan nhận định.
Nguồn Dân Việt