Ngày 7-11, Quốc hội dành trọn 1 ngày nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế và làng nghề. Đa số ý kiến đều nhất trí tình trạng đã đến mức báo động đỏ, nếu không giải quyết ngay từ bây giờ thì hậu quả con cháu đời sau sẽ phải gánh chịu.
"Giống bom nguyên tử"
Theo kết quả giám sát của đoàn công tác Quốc hội, nhiều khu kinh tế chưa thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường (có nơi đến vài chục lần). Ở một số nơi, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.
Nước thải của các khu công nghiệp, dịch vụ trong khu kinh tế chỉ được xử lý sơ bộ và thải vào hệ thống thu gom chung hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Rất ít nơi có khu xử lý nước thải tập trung (khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên vào năm 2003 nhưng đến nay chỉ mới bắt đầu vận hành).
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM: Pháp luật về môi trường nhẹ và nhu mì như mặt nước hiền dịu. Ảnh: Minh Thăng
Còn với các làng nghề, ô nhiễm nước, không khí, đất đai... cũng rất nghiêm trọng. Ở một số làng có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm chủ yếu, ngoài ra là các bệnh về đường tiêu hóa, viêm da, hô hấp...
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh thêm, ở nhiều khu vực ô nhiễm còn xuất hiện các căn bệnh lạ. Các làng ung thư mọc lên ngày càng nhiều cũng xuất phát từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.
"Mọi sai phạm đều xuất phát từ nhận thức chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt. Xử phạt thì không nghiêm minh. Nếu về lâu dài vẫn để tình trạng thế này thì con cháu chúng ta phải chịu. Không thể đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận trước mắt vì không tiền nào khắc phục hết được hậu quả", bà An nói.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, nếu đánh giá toàn diện, hậu quả còn nghiêm trọng hơn báo cáo rất nhiều. Vì những hậu quả môi trường diễn ra âm thầm, tác động dài lâu và hậu quả khôn lường. "Tình trạng đã giống như một quả bom nguyên tử, có quả đã nổ, có quả sắp nổ. Hậu quả và thời gian xử lý còn lâu dài hơn xử lý chất độc dioxin. Mà nguyên nhân gây ra ô nhiễm lại chỉ tập trung ở một nhóm người, bất chấp hậu quả mai sau", ông Tính nhấn mạnh. Khi đó, mọi thành quả về kinh tế đều không còn ý nghĩa.
"Pháp luật nhu mì"
Hàng loạt nguyên nhân đã được mổ xẻ, phân tích. Trong đó, nổi bật câu chuyện các tỉnh chỉ muốn chạy theo tăng trưởng, bỏ bê trách nhiệm với môi trường. Doanh nghiệp tất nhiên chỉ vì lợi nhuận nên "lờ" nghĩa vụ, song cơ quan quản lý nhà nước cũng vẫn "nhẹ tay" với sai phạm do e ngại nhà đầu tư không mặn mà. Nếu có phát hiện sai phạm cũng chưa xử lý triệt để. Thậm chí, đa số các vụ việc bị phát hiện là do dân phát giác chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước tìm ra.
Nói như đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), "pháp luật về môi trường nhẹ và nhu mì như mặt nước hiền dịu. Nhà nước vẫn còn bao cấp, cứ cấp rất nhiều kinh phí mà không kiểm tra, người dân thì tùy tiện tạo ra hàng hóa kém chất lượng và gây ô nhiễm cho cộng đồng".
Như Chính phủ báo cáo, riêng trong năm 2011 đã có 1.728 vụ ô nhiễm, tăng 72,6% so với năm trước. Song, chỉ 153 vụ bị khởi tố.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thẳng thắn, pháp luật nhà nước chưa nghiêm một phần còn là do sự chồng chéo trong phân công chức năng giữa các cơ quan quản lý. Các bộ, ngành thì phối hợp chưa nhuần nhuyễn, giữa tỉnh với ban quản lý khu kinh tế thì trách nhiệm chưa rành mạch. Theo ông, năm 2010, cả nước mới chỉ xử phạt sai phạm về môi trường ở 6 tỉnh, với số tiền 513 triệu là quá nhỏ nhoi đáng để suy nghĩ.
Đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nêu câu hỏi, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm chính, song cùng phối hợp là nhiều bộ, ngành liên quan khác. Vậy, liệu Bộ có trở thành nhạc trưởng được hay không?
Thực tế như bà Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chia sẻ, thì mỗi khi ở tỉnh có doanh nghiệp vi phạm và Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu với tỉnh để đóng cửa thì bao giờ các ngành liên quan như kế hoạch, đầu tư, công thương và điện lực cũng lên tiếng, vì đối chiếu theo các luật liên quan thì rất khó để đóng cửa hay cắt điện.
Phát huy tai mắt của dân
Về giải pháp, bà Ly Kiều Vân cho rằng, cần xử lý nghiêm minh hơn. Tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý triệt để các cơ sở sai phạm. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, phải kiên quyết đóng cửa các cơ sở sai phạm nghiêm trọng kéo dài để làm gương.
Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương, trước mắt cứ "đánh" vào kinh tế, vào bài toán lợi nhuận bằng các loại thuế, phí và hình thức xử phạt nghiêm minh để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ngoài ra, công khai rõ địa chỉ người có trách nhiệm với bảo vệ môi trường để người dân giám sát. Cũng nên phát huy sức mạnh "tai mắt" của dân để dân phát giác và tố cáo doanh nghiệp vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc công khai tên tuổi, địa chỉ doanh nghiệp vi phạm trên báo chí hoặc các bảng thông báo công cộng để tăng tính răn đe. Còn với các làng nghề, cần nhanh chóng quy hoạch và phân biệt rõ làng nghề truyền thống với các làng nghề "trá hình" tận dụng công nghệ, máy móc lạc hậu để trốn thuế.
Các đại biểu cũng đồng tình ngay trong kỳ họp này nên ban hành một nghị quyết thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, giao Chính phủ thực hiện một số giải pháp tăng cường. Nghị quyết sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.
Nguồn VietNamNet