Với 446 đại biểu tán thành, 7 vị không tán thành và 5 vị không biểu quyết, sáng 8/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 5 - 7%
Mục tiêu trong thời gian tới là phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh.
Ảnh: Minh Thăng
Trong 2 - 3 năm đầu kế hoạch, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 2 - 3 năm tiếp theo, đảm bảo hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu được Quốc hội quyết định là GDP tăng khoảng 6,5 - 7%, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP, giảm dần nhập siêu từ 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào 2015.
Tiếp thu góp ý về việc đưa trái phiếu Chính phủ vào con số bội chi ngân sách, Quốc hội chốt tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức dưới 4,5% vào 2015. Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22% - 23% GDP năm. Nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được quyết định ở chỉ tiêu tăng khoảng 5 - 7% vào 2015.
Đây cũng là con số được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Quốc hội tại phiên khai mạc kì họp vào sáng 20/10.
Cùng với các chỉ số kinh tế, thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 được Quốc hội xác định là tăng 2-2,5 lần so với năm 2010. Mỗi người dân đô thị sở hữu diện tích sàn nhà ở là 26m2.
Tái cấu trúc tài chính
Dành dung lượng khá dài trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội để bàn về tái cơ cấu kinh tế, nghị quyết của Quốc hội cụ thể hóa những nội dung đã được quyết tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua.
Theo đó, ngay từ 2012 sẽ tiến hành bước khởi động, chuẩn bị các điều kiện để từ 2013 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, năm 2015 có hiệu quả rõ rệt.
Với việc tái cấu trúc tài chính, nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đôla hóa.
Nợ công, nợ xấu của DNNN cũng được chỉ ra là các ưu tiên trong tái cơ cấu thị trường tài chính.
Về cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty, nghj quyết nhấn mạnh việc nâng tính công khai, minh bạch và phân định rõ nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội với hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Nghị quyết xác định DNNN tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kĩ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước đó, tiếp thu đề nghị của đại biểu và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ có bảo cáo riêng về tình hình doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tình hình đầu tư ra nước ngoài của DNNN để trình Quốc hội hàng năm.
Về cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư công, sẽ sửa đổi quy chế phân cấp quản lý, đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư với các dự án đã đủ thủ tục theo quy định và khi đã xác định rõ nguồn, mức vốn và khả năng cân đối nguồn vốn.
Chính phủ khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên để làm căn cứ phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm đầu tư.
Chú trọng thỏa đáng vấn đề Biển Đông
Nghị quyết lần này cũng nêu vấn đề Biển Đông. Theo đó, Việt Nam chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác chiến lược với các nước láng giềng có chung biên giới.
Việt Nam thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề Biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực.
Nguồn VietNamNet