(NTO) Tại Bệnh viện tỉnh, vừa qua đã có 2 ca tử vong do bệnh TCM. Bác sĩ Bùi Viết Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh cho biết: “Các bé nhập viện trong tình trạng sốt, có mụn nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Qua chẩn đoán, bệnh nhi mắc TCM độ 2 nhưng chỉ trong thời gian ngắn, bệnh diễn biến nhanh và gây tử vong.”.
Điều trị cho bệnh nhân nhi.
Chị Phạm Thị Gái, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Gia, 28 tháng tuổi, ở thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu, đang điều trị TCM tại Bệnh viện tỉnh, cho biết: “Cháu bị nóng sốt, giật mình, khóc đêm, lòng bàn chân nổi đầy mụn đỏ. Trước đó, bên nhà hàng xóm có cháu bé mất do bị bệnh TCM, gia đình nghi cháu đã mắc bệnh đó liền đưa cháu vào viện”.
Mặc dù bệnh TCM có diễn biến phức tạp nhưng nhiều người dân trong tỉnh còn khá chủ quan trong việc vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhất là vùng nông thôn, vùng đông dân cư nên tạo điều kiện cho bệnh lây lan nhanh ra công động. Nhiều người dân tỏ ra “mơ hồ” khi được hỏi về cách nhận biết và phòng bệnh TCM. Chị Kiều Thị Xô, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bảo An (Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: “Được sự chỉ đạo của ngành Y tế và chính quyền địa phương, Trạm đã truyền thông về cách phòng, chống bệnh TCM trên loa đài 1 lần/ngày, cung cấp tờ rơi khi người dân đến trạm thăm, khám bệnh. Tuy nhiên, tác dụng của việc tuyên truyền là hạn chế do ý thức của một bộ phận người dân còn thờ ơ với các phương tiện thông tin đại chúng”.
Là địa phương có số bệnh nhân tay-chân-miệng cao, với 116 ca mắc và 2 ca tử vong Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Trần Minh Nam, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thành phố đã chỉ đạo các địa phương có nhiều ca bệnh như phường Đông Hải, Đô Vinh, Bảo An đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân mức độ nguy hiểm và cách phòng bệnh. Trung tâm Y tế thành phố đã thành lập đội chống dịch lưu động trực tiếp đến khu dân cư phun hóa chất xử lý môi trường, cung cấp dung dịch sát khuẩn. Yêu cầu các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo nghiêm túc thực hiện vệ sinh trường lớp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng bệnh cho trẻ em.
Thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai nhiều biện pháp tích phòng, chống bệnh TCM như: Chỉ đạo giám sát, xử lý dịch; tập huấn điều trị bệnh cho cán bộ y tế, tập huấn cách phòng và phát hiện bệnh cho giáo viên mầm non, nhân viên y tế học đường; truyền thông phòng bệnh TCM tại cộng đồng dân cư. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và dự trù kinh phí bổ sung cho công tác phòng, chống dịch. Tổ chức các hoạt động giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, thu thập mẫu bệnh phẩm, gửi Viện Pasteur Nha Trang xác định nguyên nhân gây bệnh; chỉ đạo bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ sở, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, thành lập đội điều trị lưu động hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu…Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cung cấp Cloramin B và hướng dẫn sử dụng cho các đơn vị trường học, hộ dân tại các địa bàn có tập trung đông số ca TCM.
Bác sĩ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trước tình hình bệnh TCM có diễn biến phức tạp, ngành Y tế rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân chủ động phòng, chống bệnh để hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Về phía người dân cần chủ động làm tốt công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ gìn vệ sinh môi trường; kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh để điều trị”.
Diễm My