Chuyện làm giàu của người phụ nữ Chăm

Chị Đạo Thị Bững, 44 tuổi, ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc là phụ nữ tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc kết hợp trồng lúa và dịch vụ cơ giới nông nghiệp giúp chị xây dựng kinh tế gia đình no ấm, nuôi ba con học đại học.

(NTO) Nhìn thấy cơ ngơi bề thế của chị hiện nay, ít ai ngờ 20 năm trước gia đình chị thuộc diện nghèo “có sổ” của thôn Bỉnh Nghĩa. Với quyết tâm cải thiện cuộc sống từ đồng đất quê nhà, gia đình chị hôm sớm làm ăn dành dụm vốn liếng đầu tư phát triển chăn nuôi.

Chị Đạo Thị Bững vươn lên làm giàu.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1997, Hội Phụ nữ cho vay ưu đãi 10 triệu đồng kết hợp nguồn vốn tích lũy của gia đình, chị mua 6 con bò cái giống. nhờ cần cù, chăm sóc kỹ đàn bò mau lớn, khỏe mạnh. Từ nguồn lợi chăn nuôi đem lại, đến năm 2001, vợ chồng chị đầu tư trên 70 triệu đồng mua máy cày và máy tuốt lúa. Chị Bững là một trong những nông hộ đầu tiên ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa mạnh dạn đầu tư đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng. Từ khi hệ thống thủy lợi Sông Trâu phát huy hiệu quả tưới, chị tiếp tục khai hoang đất gò thành ruộng lúa với diện tích 3 ha, rồi thuê thêm 1 ha ruộng ba vụ lúa chủ động tưới từ hệ thống kênh Bắc trên cánh đồng Cà Rài. Anh Châu Quầy, chồng chị Bững, tham gia các lớp học khuyến nông áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác đảm bảo lúa đạt năng suất cao. Tính riêng vụ hè- thu năm nay, gia đình chị thu hoạch 23 tấn lúa, trị giá trên 120 triệu đồng. Trừ hết chi phí đầu tư sản xuất, chị còn lãi ròng 70 triệu đồng. Đàn gia súc của gia đình chị hiện có 12 con bò nái sinh sản và 40 con cừu.

Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, chị Bững đầu tư cho 5 người con ăn học. Trong đó, có ba con đang học đại học và 2 người con khác đang học phổ thông tại địa phương. Vừa làm kinh tế giỏi vừa đầu tư nuôi con ăn học chu đáo, chị Đạo Thị Bững được Hội Phụ nữ huyện Thuận Bắc khen thưởng về thành tích lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

“Buổi đầu ra ở riêng, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ tạo điều kiện thuận lợi cho tôi làm ăn vươn lên thoát nghèo. Nếu mỗi người chịu khó lao động, tiết kiệm chi tiêu, đầu tư mở rộng sản xuất sẽ bảo đảm cuộc sống no ấm ngay trên đồng đất quê nhà. Trước đây, do hoàn cảnh cha mẹ nghèo nên vợ chồng tôi chưa học hết bậc tiểu học. Nay tôi quyết tâm nuôi dạy con cái ăn học thành đạt”, chị Đạo Thị Bững chia sẻ.