Bên lề hội thảo quốc tế Bảo vệ người tố cáo tham nhũng, ông Lê Văn Lân, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trao đổi với báo chí câu hỏi về nghi án tham nhũng có dấu hiệu nước ngoài khi phóng viên đề cập đến hai trường hợp gần đây.
Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân. Ảnh: XLinh
Đó là vụ hối lộ quan chức của công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản và vụ công ty Australia Securency thông qua đại lý tại Việt Nam là CFTD để giành hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer.
Xung quanh hai vụ này, phía Nhật và Australia đều đã giam giữ những người liên quan tham nhũng để điều tra, xét xử. Từ hai trường hợp này, câu hỏi đặt ra là liệu với những vụ án mà phía nước ngoài cho hay có quan chức Việt Nam liên quan, sẽ có những hiệp định, giải pháp như thế nào để phối hợp xử lý?
Về điều này, ông Lân khẳng định: “Chúng ta biết Việt Nam và các nước có hình thức về lĩnh vực về tư pháp, ví dụ có những hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước. Về các vụ việc như các bạn nêu, Việt Nam cũng tích cực chủ động thu thập thông tin và cũng gặp gỡ chính thức các cơ quan chức năng các nước liên quan để mình đề nghị khi họ có thông tin gì liên quan thì cung cấp cho Việt Nam. Từ đó, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiến hành điều tra xem xét làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Mới đây, Chính phủ vừa gửi báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2011 đến đại biểu Quốc hội, trong đó cho hay đã có kết quả xác minh bước đầu vụ in tiền polymer.
Bộ Công an đã có báo cáo kết quả xác minh bước đầu thông tin về việc công ty Securency hối lộ công ty CFTD của Việt Nam trong cung cấp chất nền in tiền polymer. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công an khẳng định “chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực” trong vụ việc này.
Năm 2009, tờ The Age (Australia) đã đăng loạt bài phóng sự điều tra về sự không minh bạch trong các hợp đồng của Securency, công ty trực thuộc Ngân hàng Trung ương Australia. Trong đó, bài báo cho hay đại lý của Securency tại Việt Nam lúc đó là CFTD đảm nhận vai trò trung gian để xúc tiến, hỗ trợ đàm phán hợp đồng cung cấp giấy polymer và công nghệ in tiền với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phóng viên của The Age đã đặt dấu hỏi về khoản hoa hồng mà Securency dành cho CFTD trong suốt gần 10 năm qua là 14 triệu AUD, tương đương 7-10% giá trị các hợp đồng. Và theo báo The Age, tỷ lệ hoa hồng này cao hơn mức khuyến cáo và thông lệ tại Australia.
Một nghi vấn khác được báo chí Australia đặt ra là khoản tiền đóng học cho con trai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời bấy giờ (ông Lê Đức Thúy). The Age cho rằng Securency đã thông qua một đối tác tại Anh để thanh toán 49.000 đôla Australia (AUD) tiền học cho con ông Thúy đang theo học tại đây.
Tuy nhiên, sau thời gian thu thập chứng cớ, cơ quan chức năng Việt Nam bước đầu xác nhận khoản tiền này là của gia đình ông Thúy nhờ chuyển giúp sang Anh để đóng học cho con trai.
Nguồn VietNamNet