Tạo động lực mới thu hút vốn nước ngoài để phát triển

Sáng ngày 2/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp, nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài và quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, định hướng phát triển 2 nguồn vốn này trong thời gian tới.

Cuộc họp đã nghe, thảo luận về thực trạng đầu tư nước ngoài, phân tích về tổng vốn, tỷ lệ vốn đăng ký/vốn thực hiện; về tình hình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đánh giá tác động của đầu tư nước ngoài đến nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Đặc biệt, các ý kiến trong cuộc họp đi sâu vào các vấn đề tồn tại của tình hình thu hút FDI hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao khả năng thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có báo cáo tổng thể về tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua, về tình hình cam kết, ký kết, giải ngân, cơ cấu thu hút và sử dụng vốn ODA theo ngành, lĩnh vực.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để tạo động lực mới thu hút các nguồn vốn nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay về tình hình quốc tế cũng như trong nước, để đạt được mục tiêu dự kiến về thu hút, vận động và thực hiện các nguồn vốn FDI, ODA cần phải tạo sự đột phá trong quản lý, chính sách về tiến độ, chất lượng và giải ngân các nguồn vốn này.

Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, hoàn thiện việc rà soát, dự thảo sửa đổi các văn bản liên quan đến quản lý thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng Đề án đánh giá tình hình FDI và định hướng chính sách giai đoạn 2011-2020, cải cách hoạt động Tổ công tác ODA các cấp để kịp thời phát hiện, tháo gỡ, đề xuất các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án, chương trình cũng như giải ngân vốn ODA./.

* Tính đến 20/10/2011, có 13.435 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 204,2 tỷ USD, trong đó công nghiệp chiếm 49,6%, bất động sản 22,8%, xây dựng 5,9%, dịch vụ 5,8% và khác 3,6%.

* Hiện Việt Nam đang có 51 nhà tài trợ ODA song phương và đa phương. Thông qua 18 Hội nghị CG thường niên, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt trên 64,322 tỷ USD với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước.

- Nguồn vốn ODA được Chính phủ ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng kinh tế, kết cấu hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực.

Nguồn www.chinhphu.vn