Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; kế hoạch sử dụng đất năm năm 2011 - 2015 và dự thảo Luật Cơ yếu

Ngày 1-11, ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Buổi sáng các đại biểu QH thảo luận ở tổ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm 2011 - 2015 cấp quốc gia và việc tổng kết thực hiện Dự án "Trồng mới năm triệu ha rừng" và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường thảo luận dự thảo Luật Cơ yếu.

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.  

 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế

Trong thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010. Thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai, góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quỹ đất trồng lúa, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu. Công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có những chuyển biến tích cực, ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng; bước đầu đáp ứng nhu cầu đất để đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và phát triển đô thị; tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua đấu giá, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác đưa vào sử dụng một cách hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, các ý kiến phát biểu cho rằng, trong đánh giá thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thực hiện chỉ tiêu; chưa phân tích rõ mặt được, chưa được của từng chỉ tiêu đạt, vượt và chưa đạt so với quy hoạch, kế hoạch. Nhiều vấn đề yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như: sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, những bất cập về thể chế, chính sách, phân cấp trong quản lý quy hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Một số đại biểu cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua chưa sát thực tế và lãng phí (các đại biểu Chu Sơn Hà, Nguyễn Ðình Quyền, Hà Nội; Võ Thị Dung, TP Hồ Chí Minh). Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền không tin là quy hoạch sử dụng đất vừa qua là thành công, vì chỉ đáp ứng lợi ích nhóm. Ðại biểu Bùi Thị An, Hà Nội đề nghị xem xét lại quy hoạch đất ở Hà Nội cũng như ở các địa phương khác, vì cho rằng, ở đây gây ra tham nhũng, khiếu kiện, thiệt cho dân. Ðại biểu Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh nhận xét, thời gian vừa qua, nhiều nơi đã biến đất nông nghiệp thành đất hoang, đất dự án thành đất chăn bò.

Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015, nhiều ý kiến đồng tình giữ đất lúa 3,8 triệu ha. Ðất khu công nghiệp dự kiến tăng từ 72 nghìn ha hiện nay lên 200 nghìn ha đến năm 2020, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình và đề nghị cần cân nhắc kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội. Những ý kiến này đề nghị không nên tăng đất công nghiệp nữa vì hiện nay mới chỉ lấp đầy được 45,63% đất khu công nghiệp, mà cần lấp đầy 56% số đất còn lại, tránh lãng phí. Ðại biểu Trần Du Lịch đề nghị, việc biến đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp phải có phương án giải quyết được đời sống của người bị thu hồi đất thì mới phê duyệt dự án. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy hoạch cần đi trước, do đó tán thành đề nghị của Chính phủ phải có quy hoạch đất công nghiệp đến năm 2020.

Về tổng kết Dự án "Trồng mới năm triệu ha rừng", nhiều ý kiến tán thành đề nghị của Chính phủ kết thúc việc thực hiện dự án và giao Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện "Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020" nhằm bảo đảm tính liên tục trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng và trữ lượng của rừng, đưa độ che phủ của rừng lên 42 - 43% vào năm 2015 và 44 - 45% vào năm 2020.

Nhiều ý kiến về vị trí của Ban Cơ yếu Chính phủ

Thảo luận về Dự án Luật Cơ yếu, số đông ý kiến phát biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia với đặc trưng là sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia có chức năng quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Ðảng, Nhà nước ở T.Ư và địa phương.

Về vị trí của cơ quan cơ yếu ở T.Ư, nhiều đại biểu cho rằng, Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ như hiện nay là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là ngành cơ mật đặc biệt, do vậy đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ðại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) và đại biểu Ðinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có thời gian dài là cơ quan thuộc T.Ư Ðảng, do Quân ủy T.Ư trực tiếp chỉ đạo; Bộ Quốc phòng có bề dày kinh nghiệm quản lý, sử dụng lực lượng cơ yếu và thực tiễn hiện nay số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu Quân đội nhân dân chiếm tỷ lệ cao, vì vậy nên chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù theo quy định trong dự thảo luật, Bộ trưởng Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, nhưng Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là một đơn vị trong hệ thống tổ chức của lực lượng vũ trang. Do vậy, cần có quy định nhằm bảo đảm sự độc lập cần thiết về tổ chức, cán bộ, kinh phí hoạt động đối với Ban Cơ yếu Chính phủ. Ðại biểu Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, tuy Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, nhưng công tác cơ yếu liên quan đến rất nhiều ngành, do vậy cần quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành với Bộ Quốc phòng trong hoạt động cơ yếu.

Liên quan đến công tác bảo mật, nhiều đại biểu đề nghị nên quy định những người sau khi không làm công tác cơ yếu, trong năm năm tiếp theo không được làm công việc liên quan đến cơ yếu cho tổ chức trong và ngoài nước để bảo đảm tính bí mật.

Cùng với những nội dung trên, các đại biểu còn góp ý kiến liên quan đến tiêu chí tuyển chọn người làm công tác cơ yếu; quyền, nghĩa vụ và chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu; những điều kiện bảo đảm điều kiện cho hoạt động cơ yếu; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cơ yếu; tên gọi của Ban Cơ yếu Chính phủ... 

Nguồn Báo Nhân Dân online