Không phải là thuốc
Thực phẩm chức năng là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung, nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản.
Các thực phẩm chức năng bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của thực phẩm chức năng bắt buộc ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.
Lấy ví dụ sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là thực phẩm chức năng (vì có thể tìm thấy vitamin và chất khoáng trong thực phẩm ăn uống hằng ngày cũng như trong thực phẩm chức năng, khi đã được bổ sung, thay đổi liều lượng nhằm hỗ trợ sức khỏe) thì chế phẩm vitamin và chất khoáng, phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (phải đăng ký và nêu rõ các tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng biết).
Ở Mỹ, thực phẩm chức năng không được FDA (tương đương Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế ở nước ta) quản lý, và tác dụng của thực phẩm chức năng nhiều khi chưa thông qua nghiên cứu khoa học để chứng thực giống như dược phẩm.
Bên cạnh một số chế phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng bảo đảm sự an toàn (đương nhiên phải dùng đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn), có nhiều chế phẩm dỏm trà trộn trên thị trường vừa bán rất đắt tiền vừa gây hậu quả bất lợi.
Nhưng cũng thận trọng như dùng thuốc
Nhờ quảng cáo rầm rộ, nhiều thực phẩm chức năng được xem là “thần dược” chữa bá bệnh. Thật ra đây là thực phẩm bổ sung, chỉ có tác dụng hỗ trợ và có rất nhiều hạn chế chứ không phải có tác dụng “thần kỳ”. Như có người uống “dầu cá” suốt cả năm với hi vọng giúp mỡ trong máu tốt, nhưng không ngờ khi khám sức khỏe thì bị rối loạn lipid huyết, tức mỡ trong máu, trong đó có cholesterol cao.
Ở đây, đương sự không biết dầu cá chỉ có tác dụng hỗ trợ, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hoặc người đó đã nhuốm bệnh gọi là tăng lipid huyết thì dù uống bao nhiêu dầu cá vẫn bị tăng lipid huyết.
Cũng cần lưu ý, thực phẩm chức năng vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ. Vì vậy, cần thận trọng trong sử dụng thực phẩm chức năng. Có lời khuyên: “Khi đi khám hoặc tái khám ở bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết đã dùng thực phẩm chức năng loại nào hoặc muốn dùng thêm thực phẩm chức năng. Được thông báo, bác sĩ sẽ quyết định cho dùng hay không nên dùng”, vì thực phẩm chức năng có thể gây tương tác bất lợi với thuốc dùng trong điều trị.
Tóm lại, để phòng chống bệnh tật nên góp phần chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân thật tốt, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách (tránh ăn uống quá thừa năng lượng, cần ăn nhiều rau quả, trái cây...), vận động hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh giúp thư thái, lạc quan, yêu đời. Nếu có điều kiện có thể dùng thực phẩm chức năng nhưng phải dùng với ý thức thận trọng như dùng thuốc, cũng như không gán tác dụng gọi là “thần kỳ” cho bất cứ thực phẩm chức năng nào.
Nguồn Báo điện tử Dân trí