(NTO) - Phóng viên: Xin đồng chí cho biết về một số thành quả nổi bật của công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua?
- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà: Nhiệm kỳ qua, các tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh… Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được triển khai gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, các phong trào của địa phương, đơn vị… Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, hội viên, phụ nữ điển hình trong công tác hội, vượt khó vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc... góp phần đưa phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh nhà.
Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Các cấp hội đã tập trung thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo.
Hưởng ứng cuộc vận động “Mái ấm tình thương”, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn,
các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động xây dựng được 91 căn nhà,
hỗ trợ sửa chữa 12 căn cho hội viên phụ nữ nghèo, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
Trong ảnh: Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao nhà “Mái ấm tình thương“ cho hộ phụ nữ nghèo. Ảnh: CTV
Song song với các hoạt động nâng cao đời sống, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” luôn được các cấp hội quan tâm thực hiện. Phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao kiến thức về xã hội và kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình cho nhiều phụ nữ. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, sửa chữa "Mái ấm tình thương" do TW Hội phát động, đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, hội viên trong tỉnh đóng góp hỗ trợ xây mới 91 căn nhà, sửa chữa 12 căn cho hội viên phụ nữ nghèo, với tổng số tiền trên 1,112 tỷ đồng.
Đến nay, 100% cán bộ hội cấp tỉnh, huyện và xã đạt tiêu chuẩn chức danh quy định. 100% cán bộ hội cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Tỷ lệ hội viên toàn tỉnh đạt 69,42% so với tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.
Ảnh: Duy Anh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục là: Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho hội viên, phụ nữ ở một số cơ sở hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ có lúc, có nơi chưa kịp thời. Hình thức, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, chưa được đổi mới nên chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Một số phụ nữ còn hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề nên gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Đời sống của đa số phụ nữ còn nhiều khó khăn, số phụ nữ nghèo làm chủ hộ vẫn còn nhiều, phổ biến nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi. Việc sơ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả chưa kịp thời. Hoạt động hội còn dàn trải, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương, chưa đi sâu vào từng đối tượng, nhất là nữ trí thức, nữ thanh niên, nữ cao tuổi, nữ trong các thành phần kinh tế. Năng lực quản lý, điều hành và kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Phóng viên: Tại Đại hội lần này, những nội dung, mục tiêu chủ yếu nào được đặt ra nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ tới ?
- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà: Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Đại hội xác định 3 vấn đề ưu tiên, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình và hoạt động công tác Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội các cấp.
Trên cơ sở đó, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt theo các tiêu chí “Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu”. Đa dạng hóa về nội dung, hình thức để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động. Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực.
Bên cạnh các phong trào thi đua, các cấp Hội tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Làm tốt vai trò đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện chính sách, Luật Bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, định hướng giá trị văn hóa đạo đức cho chị em trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của phụ nữ và dân tộc Việt Nam. Phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng gia đình; rà soát, nắm rõ các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có chỉ tiêu, kế hoạch và giải pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích phụ nữ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ phụ nữ khác thoát nghèo. Phát triển và nâng cao năng lực tổ chức hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ một cách thiết thực, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt các đề án đã được Chính phủ phê duyệt như: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước, giai đoạn 2010 – 2015”; Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt, giai đoạn 2010 - 2015”, Đề án “Xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2010 – 2020”, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Việc thực hiện hiệu quả các đề án trên là nguồn lực để thúc đẩy việc thực hiện các phong trào và công tác Hội đạt hiệu quả cao hơn.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu (thực hiện)
Ý KIẾN TÂM HUYẾT HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI |
Chị Katơr Thị Thuê, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Thắng (Bác Ái):
Để phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, Hội Phụ nữ cấp trên cần có sự quan tâm đến chính sách cho từng vùng, miền. Hiện nay, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo của xã Phước Thắng đã được vay nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Để giúp phụ nữ cũng như các hộ dân ở miền núi nhanh chóng thoát nghèo bền vững thì Hội cũng như các đoàn thể khác cần chú trọng nhiều hơn nữa đến việc phối hợp các ngành chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Ái Liên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường Kinh Dinh (PR-TC):
Kinh tế gia đình của hầu hết chị em địa phương dựa vào buôn bán nhỏ, nhiều con em trong độ tuổi lao động chưa có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống của nhiều hội viên còn khó khăn. Mong muốn của chị em tổ chức Hội làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng mở rộng nguồn vốn vay, giúp chị em có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, quan tâm công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hướng cho chị em nhiều cách làm ăn mới để nâng cao thu nhập. Cần có chế độ hỗ trợ công tác hàng tháng cho cán bộ Hội cơ sở nhằm động viên, khuyến khích chị em làm tốt hơn nữa công việc của mình, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội ở cơ sở.
Chị Trần Thị Lai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Khánh Hiệp, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải):
Mong muốn của tôi gửỉ đến Đại hội lần này là Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh có những giải pháp, việc làm thiết thực để định hướng cho các cấp hội xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên. Theo đó, Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác hội gắn với phát triển kinh tế địa phương; tuyên truyền, vận động để chị em thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để tham gia Hội ngày càng tích cực hơn; quan tâm hơn nữa đến phụ nữ nghèo có nhu cầu hỗ trợ vốn sản xuất, việc làm và tiếp cận kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Cần nhân rộng mô hình giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình; nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ phụ nữ nhằm tạo cho chị em tâm lý phấn khởi, gắn bó và tích cực tham gia mọi phong trào do Hội phát động.
Chị Hà Thị Thu Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thái (Ninh Phước):
Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong rằng các cấp Hội sẽ tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, thực hiện các chính sách vay vốn và giúp đỡ chị em thuộc diện nghèo và cận nghèo phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay thông qua việc mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề ngắn hạn… Riêng với những chị em người dân tộc thiểu số, các cấp hội cơ sở cũng nên quan tâm khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống để vừa giúp chị em phát triển kinh tế, vừa giữ được nét văn hóa dân tộc.
Cùng chung tay đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, Hội Phụ nữ Phước Thái nhận thực hiện tiêu chí về môi trường. Hàng tháng, các Chi hội phụ nữ cơ sở phát động chị em tham gia làm vệ sinh thôn xóm, thu gom rác thải, tuyên truyền toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Với đóng góp tích cực của chị em xã Phước Thái sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Chị Nguyễn Thị Giỏi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn):
Qua đại hội lần này, chúng tôi mong muốn tổ chức Hội nên có các chính sách quan tâm đặc biệt đến vấn đề an sinh xã hội cho phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế gia đình thông qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là hỗ trợ vốn, nâng cao kiến thức, năng lực, phát huy giá trị đạo đức của người phụ nữ. Đối với cán bộ, Hội, tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng công tác hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia học tập để đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Nhà nước, nhất là nâng cao năng lực, kỹ năng điều hành sinh hoạt cho đội ngũ ban chấp hành phụ nữ chi, tổ trưởng cơ sở.