Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng dù dự luật đã có một chương (chương V) về bảo vệ người tố cáo nhưng không toát lên cơ chế bảo vệ nên cần phải quy định cụ thể hơn. Cũng theo đại biểu này, quy định về việc không phân biệt đối xử với người tố cáo là tốt nhưng khó khả thi vì khó có thể nhận biết thế nào là không trù dập nếu một nhân viên bị một lãnh đạo điều chuyển vị trí công việc khác.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), bảo vệ người tố cáo là đương nhiên vì lẽ họ có quyền công dân, là người sẽ hợp tác trong việc phát hiện và xử lý vi phạm người bị tố cáo, và là người yếu thế hơn người bị tố cáo. Do vậy, dự luật cần quy định đương nhiên người tố cáo cần được bảo vệ thay vì bắt họ phải có văn bản yêu cầu bởi như thế sẽ làm khó người tố cáo.
Theo các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), dự luật cũng cần quan tâm hơn đến những người bị tố cáo nhưng sau đó điều tra là tố cáo sai và cần có quy định để người đó được minh oan hay làm rõ nguồn ngân sách, trách nhiệm trong việc đền bù.
Nguồn Báo SGGP