(NTO) Chỉ riêng đợt mưa trong đầu tháng 10-2011, tại địa phương đã có 3 người chết, do đi rẫy về lội qua suối bị nước cuốn trôi. Mưa lũ còn cuốn trôi 2 con trâu, bò và gần 43ha hoa màu. Nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng, đập tràn ở xã Phước Đại, Phước Hòa, Phước Trung...bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do bão lụt gây ra, hằng năm trước khi bước vào mùa mưa, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để ứng phó với thiên tai. Với đặc thù của huyện miền núi, các xã cách xa nhau, có xã cách trung tâm huyện hàng chục cây số như xã Phước Bình, cho nên địa phương quy định chế độ trực ban nghiêm ngặt 24/24 trong suốt mùa mưa lũ, mạng lưới thông tin từ huyện đến cơ sở được củng cố.
Tất cả 9 xã trên địa bàn huyện được cấp phao cứu sinh, áo phao và thành lập lực lượng xung kích gồm 40 người làm nòng cốt sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu của thời tiết. Phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB huyện chỉ huy trực tiếp tại các vùng trọng điểm.
Thực tế cho thấy, những trường hợp bị lũ cuốn trôi là do người dân chủ quan. Đa số rẫy của bà con nằm cạnh các con suối. Bình thường suối cạn, nhưng chỉ cần một cơn mưa là nước đổ về rất nhanh, một số người sợ bị mắc kẹt trên rẫy nên vội vàng lội qua suối về nhà và bị lũ cuốn. Nhận thấy nguy hại trên, nên khi có mưa lớn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa- Thông tin, Ban Văn hóa các xã dùng loa tuyên truyền, vận động những người đi rẫy ở lại trên nhà chòi, chờ khi nước rút mới về nhà. Đối với những hộ ở dọc theo các con suối vận động họ di dời tài sản, vật nuôi đến những nơi an toàn. Riêng những vùng thường bị lốc xoáy như ở Phước Thắng, Phước Thành thì huy động lực lượng thanh niên dùng bao cát giúp dân chèn giữ nhà, hạn chế gió tốc mái.
Có thể nói, triển khai có hiệu quả và kịp thời các phương án PCLB ở Bác Ái nên hạn chế được nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, qua thực tế ở địa phương một số thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB huyện, xã chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, đặc biệt ý thức của người dân còn thấp dẫn đến hầu như mùa mưa lũ nào trên địa bàn cũng có người chết. Mặt khác, khi có thiên tai xảy ra việc triển khai cứu hộ còn lúng túng.
Để làm tốt công tác PCLB, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người dân thấy được sự nguy hại của thiên tai, nhất là lũ quét để từ đó chủ động phòng tránh. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ cụ thể, chi tiết cho từng địa bàn thôn, xã, khu vực.
Anh Tùng