Có nên tiếp tục duy trì “3 chung”?

Kết thúc mùa tuyển sinh 2011, một mùa tuyển sinh được đánh giá là thất bại trước sự thiếu hụt trầm trọng sinh viên của nhiều trường ĐH cả công lập và dân lập, lãnh đạo nhiều trường đã lên tiếng về việc có nên duy trì kỳ thi “3 chung” cho mùa tuyển sinh tiếp theo?

Áp dụng ưu tiên vẫn thiếu thí sinh

Có lẽ chưa có mùa tuyển sinh nào lại có nhiều trường ĐH công lập thiếu hụt nguồn tuyển như năm nay.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của HUTECH - Ảnh: C.T.V

Có thể liệt kê hàng loạt trường như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Tháp, ĐH Sao Đỏ, ĐH An Giang, ĐH Nông lâm Bắc Giang…

ĐH Đà Lạt có 6 ngành “trắng” hồ sơ, không tuyển được một thí sinh nào. Hàng loạt trường tuyên bố đóng cửa các ngành học vì thiếu thí sinh. ĐH Sư phạm Đà Nẵng đóng cửa ngành Sư phạm giáo dục chính trị và Văn hóa học. Trong khi cả 2 ngành học này đều có chỉ tiêu tuyển sinh trên 40 SV trong năm 2011 nhưng sau cả 3 đợt tuyển sinh, chỉ có 12 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi và dự tuyển vào ngành SP Giáo dục chính trị và 8 thí sinh vào ngành Văn hóa học ĐH Kiến trúc Đà Nẵng thông báo đóng cửa ngành tiếng Anh vì không có thí sinh dự tuyển.

ĐH Đồng Tháp phải đóng cửa 4 ngành học là Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện và Công nghệ thiết bị trường học vì không có người đăng ký

Đại học An Giang cho biết sẽ phải đóng cửa một số ngành như: Sư phạm Hóa, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Lịch sử. ĐH Phú Yên mặc dù được Bộ GDĐT cho áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh, song vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường đã đóng của 2 ngành Việt Nam học (hệ ĐH) và Kỹ thuật điện - điện tử (hệ CĐ).

Ở khối ngoài công lập, hầu hết các trường đều tuyển không đủ chỉ tiêu, có trường chỉ tuyển được 1/3 thí sinh so với chỉ tiêu được giao. Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập đang làm dự thảo kiến nghị Bộ GDĐT kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 12.2011 để các trường có thêm cơ hội "vớt" sinh viên.

“3 chung” đã không còn phù hợp?

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lâp phân tích: Lâu nay, các trường ĐH, CĐ NCL sống “lay lắt”, thậm chí nhiều ngành nghề phải ngậm ngùi đóng cửa vì không tuyển được sinh viên. Với hình thức tuyển sinh như hiện nay, các trường NCL khó tuyển sinh ngay từ NV1 chứ chưa nói đến NV2, NV3.

Hầu hết những sinh viên không trúng tuyển NV1 và không còn con đường nào khác mới nghĩ tới các trường NCL, điều đó thấy rằng, các trường NCL đành ngồi chờ sinh viên trong sự lo lắng về con số chỉ tiêu luôn treo lơ lửng trên đầu. Tuyển sinh là một khâu trong quá trình đào tạo, nếu các trường không tuyển được sinh viên, tức là trường đó có nguy cơ không tồn tại.

Về ưu điểm của hình thức thi “3 chung” trong những năm qua đã được xã hội đồng thuận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục, việc tiến hành thi “3 chung” ở bậc ĐH, CĐ như bây giờ là không còn phù hợp. GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Tuyển sinh “3 chung” sau nhiều năm cũng có mặt tích cực nhưng hiện nay cần phải làm thế nào để cải tiến lại vì không còn phù hợp với thực tế. Chúng ta hiện nay quá bảo thủ, câu nệ về đầu vào ĐH. Tuy ai cũng biết đầu vào quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề thi hiện nay chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với thực tế”.

PGS.TS Lê Trọng Thắng – Trưởng phòng đào tạo ĐH Mỏ Địa chất cũng đề nghị cần cấu trúc lại đề thi ĐH cho hợp lý, đặc biệt phải cải tổ “3 chung” theo hướng tự chủ để phù hợp với loại hình đào tạo tín chỉ hiện nay.

Theo GS Trần Hồng Quân, việc áp dụng 3 môn cho một khối thi, 4 khối thi áp dụng cho hàng trăm ngành là cách tuyển sinh không còn phù hợp. Việc tuyển sinh nên giao cho các trường tự chủ, Nhà nước giám sát đầu ra, như vậy, các trường sẽ có sự cạnh tranh công bằng và phải chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo của mình.

Nguồn BÁO LAO ĐỘNG