(NTO) Nằm trên địa bàn ở một trong những xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện Ninh Phước, phòng Y tế học đường của Trường THCS Phước Vinh còn sơ sài và thiếu thốn. Căn phòng nhỏ được ngăn ra từ một phòng học bởi một tấm vách cũ, 2 chiếc giường xếp, một chiếc bàn và 1 tủ thuốc nhỏ. Anh Phú Đại Thái, nhân viên phụ trách y tế của trường cho biết: “Trung bình mỗi ngày, trường có từ 10 đến 15 học sinh có vấn đề về sức khỏe phải tìm đến phòng y tế. Rất may, là từ trước tới giờ, hầu hết các em đều rơi vào các trường hợp nhẹ như: bị say nắng, đau đầu, hoặc xây xước do đùa nghịch…Nếu có trường hợp nặng hơn hoặc học sinh tìm đến đông cùng một lúc thì phòng y tế của nhà trường không đủ điều kiện, thuốc men dù là chỉ sơ cấp cứu ban đầu”.
Nhân viên y tế học đường Trường THCS Phước Vinh sơ cứu ban đầu cho học sinh.
“Còn thiếu thốn nhưng phòng y tế học đường của trường như thế này cũng đã tốt hơn rất nhiều so với những năm trước” – Đó là lời nhận xét của cô Lê Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Vinh. Tốt hơn, bởi chỉ mới 3 năm trở lại đây, trường mới có nhân viên y tế chuyên trách (còn trước đây công tác y tế do một giáo viên kiêm nhiệm), phòng y tế còn chưa được ngăn vách như bây giờ. Theo ý kiến của cô Hường thì phòng y tế học đường rất cần được đầu tư nhưng do khó khăn chung của trường nên vẫn phải chấp nhận. Và để khắc phục những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác trang bị kỹ năng bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh như: kỹ năng sơ cấp cứu cho đội Chữ thập đỏ xung kích; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm; kết hợp với trạm y tế xã tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho học sinh nữ lớp 9…
Trường TH Bảo An 3 do đã được xây dựng quá lâu nên cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều phòng học đã phải đóng cửa vì không đảm bảo an toàn, phòng công vụ phải dùng ghép…Và tất nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất như vậy, phòng y tế học đường của trường cũng không thể đầy đủ tiện nghi. Cô giáo Đoàn Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù nhà trường có cán bộ y tế chuyên trách nhưng phòng y tế của trường phải ghép chung với các phòng chức năng khác; “tài sản” quý nhất chỉ là một tủ thuốc với số lượng thuốc cũng khá nghèo nàn, dụng cụ sơ cấp cứu còn thiếu thốn”. Trong khi đó, với 173 học sinh đang ở lứa tuổi hiếu động của trường, không thể không có những va chạm, xây xước, rất cần đến công tác sơ cấp cứu ban đầu.
Những phòng y tế còn sơ sài và thiếu thốn không chỉ ở Trường THCS Phước Vinh và Trường Tiểu học Bảo An 3 mà dường như là hiện trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt với những trường học ở các vùng nông thôn, miền núi. Hiện nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đều đã có phòng y tế, tuy nhiên phần lớn các phòng đều trong tình trạng chung: chật chội, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất không đảm bảo. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bác Ái, toàn huyện có 36 trường mầm non, tiểu học và THCS nhưng chỉ mới có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường THCS phòng y tế có cơ sở vật chất, thiết bị đạt yêu cầu.
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của học sinh trong trường học, rất cần có sự quan tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho y tế học đường.
Nhật Quỳnh